Trong Người thứ 3: Nhân tình thứ 2 gọi điện khuyên người vợ “vứt đi” người chồng tệ bạc. Tiến sĩ Tô Nhi A giật mình trước sự chịu đựng khủng khiếp của người vợ suốt hàng chục năm.
Chị A (60 tuổi), đến từ Lâm Đồng nhớ lại thời điểm gặp người chồng là lính sau giải phóng, khi anh chọn Lâm Đồng là nơi lập nghiệp. “Sau ngày giải phóng, chúng tôi gặp nhau. Quê anh ở Hà Nội nhưng anh được đơn vị cho đi an dưỡng ở Lâm Đồng. Năm ấy tôi 17 tuổi, gặp nhau, tôi cảm mến anh vì sự từng trải. Sau khoảng thời gian gần gũi, chúng tôi đi đến hôn nhân”, chị kể.
Bốn năm đầu, chị sinh liên tiếp 3 người con, trong khi anh sống rất hời hợt, di chuyển liên tục. Anh chuyển chỗ ở, bán miếng đất này mua mảnh đất kia vì làm ăn thua lỗ. Anh bán nhà, mua nhà nhỏ hơn để mẹ con chị ở. Vì cuộc sống khó khăn, chị để 3 con ở nhà, đi mót lúa kiếm sống, nhưng anh lại bán luôn lúa của ba mẹ con. Chị chăn heo, bò kiếm thêm thu nhập, anh cũng bán hết. Dù buồn vì chồng chỉ “phá của”, nhưng chị nhẫn nhịn sống vì các con. Sau này, anh làm ở Ủy ban nhưng tiếp tục nợ nần. Chuyện vỡ lỡ, chị tiếp tục bán đất để trả nợ cho chồng.
“Anh ấy vay nhà nước 10 triệu đồng nhưng không có tiền trả, rồi anh ấy lại đi vay nặng lãi. Khoản nợ tăng lên từng ngày. Tôi cam chịu, gánh kinh tế gia đình, trả nợ cho anh. Con trai trách tôi không nắm chặt tiền trong nhà, để cho chồng phá hết. Khi đã không giữ được tiền của, thì cũng không giữ được chồng”, chị ấm ức kể.
Con gái đỗ đại học ở TP.HCM, chị theo con xuống thành phố nhưng tiền trong túi chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng. Chị mang chứng minh nhân dân đi cầm cố lấy tiền nhận vé số bán. Một tháng ở Sài Gòn để chạy tiền cho con đóng học phí thì nghe tin ở nhà anh “ăn nằm” với người phụ nữ khác.
Làm ăn thất bại, chồng chị đi trốn nợ, sống với một cô gái hơn nửa năm. Chị gặp chồng, nói rằng hai người vẫn đang là vợ chồng, anh và cô gái là quan hệ ngoài luồng, vi phạm pháp luật. Anh nạt nộ, xưng hô mày tao với chị, thể hiện sự vô trách nhiệm với vợ con. Một thời gian sau, cô gái đến nhà chị nói rằng anh ấy đã bỏ đi và lấy luôn xe máy của cô ta.
Ngày giỗ bố chồng, anh ta trở về làm giỗ tại nhà em trai. Hôm ấy, có người nói với con gái chị có một cô gái đang đứng ở đầu xã đợi ông ấy đến đón. Ông mang xe của người cũ đi đón người mới. “Con gái tôi chạy xe ra bảo cô ta đi về đi vì ba mẹ vẫn chưa ly dị. Sau đó thì cô ta phóng xe đi. Con gái tôi về tới nhà, ông ấy bắt đầu hành hung con. Cháu phải chạy ra ngoài đường cầu cứu. Cô gái kia nhận ra sự dối trá nên cắt đứt quan hệ và gọi điện khuyên tôi nên ly hôn người chồng tệ bạc này”, chị kể.
Thời gian sau, chị thuê một ngôi nhà để bán quán cà phê. Ông thường lên quán, ngủ lại để trông coi. Một đêm đang ở nhà, chị A linh cảm một chuyện chẳng lành, liền tức tốc chạy lên quán. Chị thấy ông cùng một cô gái lạ đang nằm trên giường. Chị tức giận lôi cô ta ra, dùng chìa khóa đâm vào mặt khiến cô ta chảy máu. Ông chạy xe máy đuổi theo, đánh đập chị. Chị nhặt một khúc gỗ vuông bên đường phản kháng lại. Nhờ hàng xóm can ngăn, chị chạy đến tòa và viết đơn ly dị ngay tại đây.
Tòa gọi hai vợ chồng lên giải quyết đơn ly hôn, nhưng ông ấy tuyên bố chỉ đồng ý ly dị nếu nhận được nhiều tài sản hơn và chị thay ông trả hết nợ nần. Vì muốn giải thoát sự dày vò nhiều năm, chị A đồng ý. Sau này, con trai chị trách mẹ tại sao lại ly dị quá trễ và ước gì người ấy không không phải là bố của mình. Đến nay, chị đã ly hôn hơn 10 năm, sau gần 30 năm sống chung.
Tiến sĩ Tô Nhi A nhận xét về quyết định của chị A: “Đến khi không còn cảm thấy bình an nữa thì ly hôn là giải pháp tốt, để chúng ta được ngủ ngon, mỗi ngày ra đường không phải lo lắng rằng mình bị đe dọa, không còn cảm thấy mù mịt về tương lai. Chúng ta phải chủ động để quay trở lại cuộc sống, tự tin lo cho bản thân, không cần phụ thuộc vào ai nữa”.
“Người thứ 3” được phát sóng định kì vào lúc 20:00 thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show và App Jtivi.
LC/Lifestyle