Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng tháng 11 lại một lần nữa đề cập đến chủ đề nuôi dạy con trong giai đoạn hiện nay làm sao để thật sự đúng với từng lứa tuổi và từng cá tính của trẻ tránh gây nhiều sai lầm đáng tiếc, đặc biệt là cách hướng dẫn các con sử dụng công nghệ đúng mục đích.
Giáo dục trẻ – Cần rạch ròi giữa Kỷ Luật và Trách Phạt
Nhiều bậc cha mẹ cũng thừa nhận rằng bản thân chỉ dựa trên kinh nghiệm từ thuở nhỏ của chính bản thân, từ người thân xung quanh để nuôi dạy con. Ít ai trang bị kiến thức đầy đủ để có những phương pháp đúng và phù hợp với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Vậy giáo dục trẻ như thế nào là hiệu quả luôn là câu hỏi mà nhiều phụ huynh quan tâm? Câu trả lời đã được đưa ra trong Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng tuần này.
Chuyên gia tâm lý Đặng Phương cho biết: Khi trẻ mắc lỗi, những hành vi trừng phạt, la mắng của cha mẹ sẽ làm trẻ bị tổn thương về mặt tinh thần, hiểu sai rằng hành động của mình đã bị trả giá bằng việc bị cha mẹ la mắng, đánh đòn. Một số trẻ có thể dừng lại hành động sai của mình vì sợ ngay lúc đó nhưng sau đó các em sẽ vẫn tiếp lặp lại hành động của mình, thậm chí nghĩ ra những phương cách để che dấu, lẩn trốn, trơ lì chấp nhận trừng phạt… Việc cha mẹ trừng phạt con trẻ như cách để chúng hiểu mình phải trả giá cho hành động sai thường sẽ không cải thiện được nhận thức cho trẻ. Điều cha mẹ cần làm chính là giúp trẻ hiểu rằng trẻ là những đứa trẻ ngoan, chỉ là có hành động sai thì ba mẹ kỷ luật để giúp trẻ có thể khắc phục hậu quả, sửa đổi sai lầm.
Bên cạnh đó, việc phạm phải sai lầm cũng là một phần trong quá trình trưởng thành của các con. Biện pháp nuôi dạy trẻ mang tính giáo dục giúp nâng đỡ con phát triển tốt hơn. Tuy nhiên hình thức này cần một quá trình xây dựng và cần cha mẹ thật sự kiên nhẫn theo nhiều hình thức: Nói chuyện, giải thích, tìm hiểu suy nghĩ của con và hướng dẫn cho con tư duy và hành động nào nên và không nên…Kỷ luật không có nghĩa là trừng phạt.
Bảo vệ trẻ em khỏi tác động của công nghệ số
Thực tế thì việc để trẻ em ở nhiều lứa tuổi tiếp cận với các trang thiết bị công nghệ phục vụ cho việc học không còn xa lạ trong bối cảnh hiện nay. Nhưng làm thế nào để trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ trong thời đại số luôn là bài toán khó với nhiều gia đình. Việc tiếp xúc với công nghệ tiên tiến vừa giúp cho trẻ có nhiều điều kiện học hỏi cái mới, nhưng cũng kéo theo không ít hệ luỵ bởi sự lạm dụng, không kiểm soát gây ảnh huởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần cho các em.
Chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống đã đưa ra rất nhiều chia sẻ thực tế từ chính các em học sinh, các phụ huynh về các lợi ích cũng như hạn chế khi các em sử dụng nhiều các thiết bị công nghệ. Với sự bận rộn công việc ngoài xã hội, không ít phụ huynh đã chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát con em mình, khiến cho các em bị nghiện máy tính, điện thoại, truy cập vào các nền tảng có nội dung không lành mạnh và khó tập trung học tập. Nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi con trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng dẫn đến việc tư duy thiếu thực tế, lệch lạc, tiêu cực, thậm chí kỹ năng giao tiếp bị hạn chế.
Chuyên gia của chương trình cũng cho rằng việc trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ xung quanh là điều không thể cấm đoán. Thay vào đó cha mẹ nên trang bị cho mình kỹ năng để kiểm soát được việc truy cập thông tin của các em thông qua nhiều cách. Cha mẹ cần hướng dẫn cho con lựa chọn những thông tin, loại hình giải trí phù hợp hoặc phối hợp với nhà trường để định hướng cho con em mình. Ông Lê Đình Nhân – chuyên gia về công nghệ mạng đã đưa ra nhiều cách thức giúp cha mẹ có thể kiểm soát dễ dàng việc con cái online như thế nào cho hiệu quả. Thông tin chi tiết mời quí vị theo dõi các số phát sóng của chương trình.
Các số tiếp theo sẽ giới thiệu đến chủ đề: Hạn chế gieo hạt giống bạo lực, giảm áp lực đồng trang lứa cho con trẻ. Đón xem các số tiếp theo của Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích, cập nhật cho cuộc sống.
LC/Lifestyle