Tài chính xanh thúc đẩy bất động sản xanh


Singapore là một trong những quốc gia có bất động sản xanh nhất trên thế giới. Đáp ứng các tiêu chí khắt khe đặt ra về tiết kiệm điện, nước, hay chất lượng không khí. Một cuộc khảo sát độc lập cho thấy, có tới hơn 90% người dân tại đây đã nhận thức và khẳng định về lợi ích của bất động sản xanh.

Ông James Chiang – Người dân Singapore cho biết: “Bớt tiền điện. Toà nhà tôi ở có hệ thống chiếu sáng ở các tầng được miễn phí do dùng năng lượng mặt trời. Thiết kế thông minh cũng giúp tiết kiệm điện làm mát”.

Ông Richard – Người dân Singapore chia sẻ: “Chắc chắn là sức khoẻ. Thư giãn, dễ thở và tốt hơn cho tinh thần”.

Chị Hwee Wen – Người dân Singapore tâm sự: “Bọn em sắp thi. Riêng việc ngồi học ở những không gian xanh cũng giúp nâng cao khả năng tập trung và hiệu quả ôn bài hơn”.

toa nha xanh singapore 96130818133702742010079 67557408958932808916502 Tài chính xanh thúc đẩy bất động sản xanh

Singapore đạt được tỷ lệ bất động sản xanh cao nhờ một quy hoạch tổng thể dành riêng cho bất động sản xanh

Tài chính xanh – công cụ thúc đẩy bất động sản xanh

Một trong những cơ sở để Singapore đạt được tỷ lệ bất động sản xanh cao nhờ một quy hoạch tổng thể dành riêng cho bất động sản xanh, qua đó đã thu hút nguồn lực đáng kể vào lĩnh vực này.

Để kiến tạo những bất động sản xanh, nguồn lực tài chính là nhân tố quan trọng được Singapore tính đến. Dẫn chứng là việc phát hành trái phiếu xanh hay phát triển bền vững vào năm 2021 đã tăng gấp 4 lần. Nếu tính tổng lượng vốn vay phục vụ mục đích về phát triển bền vững cũng hơn 200% trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2017-2021.

Nếu một toà nhà vốn phải trả 10 đồng tiền điện mỗi tháng thì giờ có những quỹ sẵn sàng đầu tư thay mới miễn phí toàn bộ trang thiết bị điện, qua đó giảm hoá đơn tiền điện cho toà nhà đi một nửa. Bù lại, hàng tháng chủ toà nhà phải trả cho doanh nghiệp 4 đồng. Vậy là đôi bên đều tăng hiệu quả dòng tiền.

Ông Sadiq Currimbhoy – Trưởng Khối Bền vững, Vulpes Investment Management nêu ý kiến: “Hoá đơn tiền điện mỗi tháng của toà nhà giảm bớt, quỹ chúng tôi có thêm dòng tiền mỗi tháng. Quan trọng hơn, toà nhà có thể nâng cấp nhãn xanh mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư, sau 8-10 năm hợp đồng, toàn bộ thiết bị điện được lắp đặt cũng sẽ thuộc về chủ toà nhà”.

Ông Prashant Kapoor – Chuyên gia trưởng về Tòa nhà Xanh và Thành phố xanh, IFC nhận định: “Đây là một cách phổ biến để tiếp cận vốn xanh hiện nay và chúng tôi cũng đang cho các quỹ dạng này vay vốn. Cách thứ hai là các chủ toà nhà cũng có thể nhận vốn vay trực tiếp và cứ mỗi năm nếu họ tăng được hiệu quả sử dụng năng lượng, thì chi phí vốn vay cũng sẽ giảm tương ứng”.

Dọc con phố tài chính ở Singapore, hầu hết các ngân hàng ở đây đã đạt Net Zero cách đây hai năm. Như ngân hàng này, cam kết giải ngân hết 17 tỷ USD vào năm 2025 cho mục tiêu phát triển bền vững của khu vực.

Ông Thilan Wiekramasinghe – Trưởng khối Tài chính khu vực Đông Nam Á, Maybank Investment Banking Group đưa ra ý kiến: “Giờ đây cần nhìn nhận, cho vay nghĩa là cho vay bền vững và không có chỗ cho các loại vốn vay khác. Doanh nghiệp đi vay vốn cần xác lập một mô hình kinh doanh hướng tới tiết giảm dấu chân carbon. Bởi với các ngân hàng đa quốc gia, đó chính là cách tiết giảm rủi ro danh mục trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Để khuyến khích khối tư nhân, cơ quan quản lý Công trình và Xây dựng Singapore cung cấp lượng vốn mồi lên tới 60 triệu USD. Những sáng kiến mới tiết giảm năng lượng cũng sẽ nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ.

Hơn 50% tòa nhà tại Singapore hiện nay được công nhận là xanh. Và con số này sẽ tăng lên 80% tới năm 2030. Đó là mục tiêu của Chính phủ Singapore đặt ra. Các tòa nhà hiện hữu, thế nhưng 80% tòa nhà xây mới còn phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe hơn, gọi là chuẩn năng lượng siêu thấp SLE. Với những công trình đẳng cấp nhất ở Singapore còn được yêu cầu phải giảm 80% lượng năng lượng tiêu thụ tới năm 2030. Đó là tiêu chuẩn rất khắt khe, gọi nôm na là 80-80-80.


Các tin cùng chuyên mục