Việc không chia lợi nhuận đã được Hội đồng thành viên Phú Mỹ Hưng thông qua tỷ lệ biểu quyết là 67%, nguồn lãi thu được từ kinh doanh sẽ dùng để tái đầu tư, phát triển kinh doanh.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo về việc chia lợi nhuận tại các trường hợp doanh nghiệp nhà nước góp vốn liên doanh thực hiện dự án đầu tư nước ngoài.
Trong đó có nêu trường hợp liên doanh Phú Mỹ Hưng đã không chia lợi nhuận từ 2010 đến 2014 cho các bên góp vốn. Uớc tính khoản lợi nhuận phải chia cho bên Việt Nam khoảng 1.444 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến năm 2014, Công ty Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Mặc dù bên Việt Nam đã nhiều lần biểu quyết yêu cầu Công ty liên doanh chia lãi nhưng do không có quyền chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.
Lên tiếng về vấn đề này, đại diện Phú Mỹ Hưng cho rằng năm 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã nộp ngân sách 1.292 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách lũy kế từ ngày thành lập đến nay là 7.071 tỷ đồng.
Về phân chia lợi nhuận, tính đến năm 2010, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã được chia lợi nhuận và thực nhận là 2.425 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính IPC thực nhận 2.425 tỷ đồng, cộng với phần thuế đã nộp vào ngân sách là 7.071 tỷ đồng, cộng cả tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách 5.827 tỷ đồng, thì qua nghĩa vụ tài chính của Phú Mỹ Hưng, tổng thu của ngân sách thành phố tính đến nay là 15.323 tỷ đồng.
Về vấn đề chia lợi nhuận 2010-2014, Phú Mỹ Hưng cho biết từ cuối 2009 hoạt động kinh doanh gặp khó khăn do thị trường BĐS không thuận lợi. Cùng với đó, từ 2011 công ty này phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký kết hợp đồng mua bán (khoảng 63ha) với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.
Mặc dù từ 2010-2014 việc kinh doanh có lợi nhuận nhưng Phú Mỹ Hưng vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng về tài chính, do đã huy động tất cả các nguồn lực về tài chính, kết hợp vay ngân hàng.
Vì vậy, thông qua tỷ lệ biểu quyết là 67%, Hội đồng thành viên của Phú Mỹ Hưng đã thống nhất tạm thời không chia lãi cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh.
Về góc độ pháp luật, Phú Mỹ Hưng khẳng định việc tạm thời không chia lãi cho cả hai bên là phù hợp với Luật doanh nghiệp.
Được thành lập ngày 19/5/1993, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng có vốn pháp định 60 triệu USD. Trong đó, đại diện Việt Nam là Tân Thuận góp 18 triệu USD (30%) và Đài Loan góp 42 triệu USD (70%).
Theo Trí thức trẻ