Nửa đêm nằm nhớ là tập tạp văn đầu tiên của nhà văn trẻ Tiểu Quyên (sau bốn tập truyện ngắn Đi ngược chiều thương, Con tàu đi tìm sân ga, Cỏ đồi phương Đông và Cỏ lau vạn dặm). Sách có bốn phần: Mơ – Yêu – Di – Lặng, được tác giả viết trong khoảng thời gian sáu tháng. Mỗi phần là những trang viết nhiều cảm xúc về ký ức tuổi thơ, về những chuyến đi và những suy ngẫm, trở trăn về cuộc sống. Bốn phần là bốn gam màu khác nhau, mà như lời chia sẻ của tác giả: “Cho tuổi thơ, tuổi trẻ và cuộc đời của chúng ta. Và không ngoái lại…”
Tiểu Quyên cho biết, cô bắt tay viết tập tạp văn này từ những thôi thúc cảm xúc mạnh mẽ từ tiềm thức. “Nếu không viết, có thể đến một lúc nào đó tôi sẽ quên hết đi. Ký ức là món quà quý giá nhất trong hành trình của mỗi con người. Nỗi đau là một bài học, những chuyến thiên di là những trải nghiệm. Và cúi đầu với chính mình để nhận diện cuộc sống, nhận diện bình an” – tác giả chia sẻ.
Trên bìa 4 cuốn sách, Tiểu Quyên cũng viết những dòng tự sự bao hàm nội dung toàn tác phẩm: “Hãy để ta đưa nhau về cánh đồng xanh trong thơ ngây, về lại dòng sông của những chuyến đò chòng chành kỷ niệm. Về những giấc mơ, tuổi trẻ, cả những khóc cười, được mất…Ở đó, có tuổi thơ chúng ta trong vắt tiếng cười và những sắt se của người, của đời trên cánh đồng năm cũ.Có tình yêu và những cảm xúc vắt ngang lưng trời mà có lẽ ai đi qua cuộc đời cũng đều đã từng nhìn thấy, chạm vào, níu giữ và buông bỏ; đã từng hạnh phúc đã từng mất mát…Có những chuyến thiên di rộn rã và những cuộc trở về mang dấu lặng của chia sẻ và bao dung, của đồng cảm và thấu hiểu, trầm tĩnh và an trú…Nếu có lúc nào đó trong đời nửa đêm nằm nhớ, hãy nói cho tôi nghe đi, bạn đã nhớ gì?”
Nửa đêm nằm nhớ trải nhiều cung bậc cảm xúc, mở đầu bằng câu chuyện về lá thư của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã gửi cho tác giả từ hơn 15 năm trước-bài Hạt mầm tri ân. Tiểu Quyên đã lội ngược dòng về ký ức – nơi bắt đầu của giấc mơ và những duyên may đến sự lựa chọn cho đường văn nghiệp viết của cô sau này. Phần Mơ còn mang người đọc về với những năm tháng trong vắt của tuổi thơ với Ai từng chơi trò đống rơm?, Chuyện tát ao, Bạn nối khố; đầy hoài niệm xốn xang với Qua phà thèm bánh tét, Mảnh đất cũ, Nửa đêm nằm nhớ cánh đồng… Phần Yêu lại là những lát cắt cảm xúc, có hạnh phúc có đớn đau có sẻ chia và thấu hiểu. Những sau tất cả là tình thương bao dung dành cho những trái tim đã từng yêu đã từng mất mát: Yêu người có vợ, Lần cuối cùng chúng ta nói gì với nhau?, Cô đơn rực rỡ, Ở đâu có nắng…Tiểu Quyên bảo rằng, cô thường nghĩ về nỗi đau riêng của ai đó bằng cảm hứng về cái chung. Bởi thế, người đọc có thể nhìn thấy mình đâu đó trên những trang viết bùi ngùi mà thấu cảm. Đôi lúc tác giả khiến người đọc Lặng như phần viết riêng cho tiêu đề này. Nhẹ nhàng, rưng rưng mà bình an với: Thức dậy trong căn phòng có hoa ở tầng 17, Trò chuyện cùng quá khứ, Thương lấy thân mình, Chấp nhận, Quà sách cho nhau…
Tác giả chia sẻ có lẽ sẽ viết tiếp một quyển tạp văn nữa, để trải được hết những suy ngẫm mà cũng là để “tạp văn có đôi” như cách đã từng làm với dự án sách mang tên Cỏ: Cỏ đồi phương Đông và Cỏ lau vạn dặm (NXB Văn hóa Văn nghệ). Bởi thế, trong phần Di, các bài viết chỉ dừng lại ở những chuyến đi khám phá vẻ đẹp của đất nước: Hòn Bà, sông Đuống, sông Hương, Sapa, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, Đi tìm “sông núi nước Nam”…Chia sẻ trên trang cá nhân ngày tác phẩm được phát hành, tác giả viết: “Nếu nửa đêm nằm nhớ bất cứ điều gì, bạn hãy đọc cùng Quyên nhé. Có lẽ sẽ thấy nỗi nhớ và một phần tâm hồn của chúng ta ở đó”. Có lẽ vậy. Nửa đêm nằm nhớ có quá nhiều điều để nhớ, để thương, để suy ngẫm và để nhận ra mình…
Minh Thư/Lifestyle