Việc Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đều đẩy mạnh mua năng lượng từ Nga đã cho thấy Moscow vẫn có những đồng minh lớn để thúc đẩy nền kinh tế, bất chấp những lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ phương Tây.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, EU, Mỹ và Anh đã áp lệnh trừng phạt cứng rắn lên các doanh nghiệp và thực thể của Nga, cũng như cấm nhập khẩu dầu từ nước này. Tuy nhiên, Moscow không đối mặt với những tác động kinh tế mạnh mẽ như nhiều người dự đoán bởi nhiều nước lớn vẫn tiếp tục mua năng lượng giá rẻ từ Nga.
Ngày 12/7, Ngoại trưởng Brazil Carlos Franca cho biết nước này muốn mua dầu diesel từ Nga nhiều nhất có thể để thúc đẩy ngành nông nghiệp và vận tải.
“Chúng tôi phụ thuộc lớn vào phân bón từ Nga và Belarus. Dĩ nhiên, Nga là nhà một nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn”, Reuters dẫn lời ông Franca cho hay. Ngoại trưởng Brazil không cung cấp những thông tin chi tiết về các giao dịch và hiện chưa rõ liệu những thương vụ của Brazil có phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không. Brazil là quốc gia gần đây nhất tận dụng năng lượng giá rẻ từ Nga giữa bối cảnh giá năng lượng thế giới tăng vọt.
Trong những tuần gần đây, Nga là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của Ấn Độ mặc dù 2 nước này hiếm khi phụ thuộc vào nhau về năng lượng.
Nga cũng đã vượt Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc. Nga cung cấp 2,02 triệu thùng dầu/ngày cho Trung Quốc hồi tháng 5 so với 1,31 triệu thùng vào một tháng trước đó.
“Những dự đoán rằng dầu thô Nga sẽ dừng giao dịch với thị trường thế giới đã không diễn ra và thay vào đó, dầu thô Nga được giảm giá sâu đã chuyển hướng sang những thị trường thay thế”, Wei Cheong Ho, Phó Chủ tịch công ty tham vấn về năng lượng Rystad Energy nhận định với AP vào tháng trước.
Ông cho rằng mặc dù các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến tổn thất tài chính và thương mại của Nga tăng đáng kể nhưng việc giá dầu Urals được giảm sâu khiến Nga vẫn là nhà cung cấp thu hút với nhiều bên.
Do các lệnh trừng phạt, Tổng thống Putin đã ưu tiên hợp tác với BRICS (nhóm các quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) như một thị trường đầy tiềm năng thay thế cho phương Tây.
Tổng thống Putin đã gặp các nhà lãnh đạo BRICS vào tháng trước, cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga với những nước này đã tăng 38% từ tháng 1 đến tháng 3/2022.
Trong khi đó, Nga đã dừng cung cấp khí tự nhiên tới một số nước châu Âu do họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Một số nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, hiện đang chật vật tìm giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Business Insider