Người dân nuôi lợn giun quế chuẩn bị Tết


Chuẩn bị thời gian cận kề Tết nguyên đán 2016, nhiều người dân đã bắt đầu “lùng sục” tìm mua thực phẩm sạch dùng trong những ngày Tết. Một trong số những thực phẩm mới nhất được người dân ưa chuộng là thịt lợn sạch, điều đặc biệt đây là loại lợn được nuôi bằng giun quế và thảo dược nên được tin tưởng là sạch 100%.

Các hộ gia đình Hà Nội đã đặt mua và nuôi lợn giun quế thảo dược từ vài tháng trước. Chị Mỹ Vân, tại Đống Đa, Hà Nội, cho biết, thịt lợn giun quế rất ngon, ngọt thịt, miếng thịt chắc tay không bở như nhưng loại thịt công nghiệp. Khi nấu lên thịt không bị ngót, nước luộc thịt trong và không hề có bọt như khi luộc thịt mua ngoài chợ. Tuy nhiên, giá thịt lợn giun quế bán ra ngoài thị trường khá đắt, thường gấp đôi so với thịt lợn thường, khiến người tiêu dùng không thể mua được nhiều. Cụ thể, giá sườn non là 200.000 đồng/kg, thịt mông có giá 160.000 đồng/kg, móng giò là 110.000 đồng/kg và thịt chân giò thì ở mức 190.000 đồng/kg…

lon giun que Người dân nuôi lợn giun quế chuẩn bị Tết

Để vừa được sử dụng thịt lợn giun quế cho những ngày lễ tết vừa không phải mua với giá đắt các hộ gia đình đã nghĩ ra phương pháp đặt nuôi lợn giun quế. Một số người tìm mua lợn tại các trang trại nuôi lợn rồi rủ người quen nuôi chung, sau đó sẽ chia nhau. Ưu điểm khi nuôi lợn giun quế từ sớm là giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ cần đặt cọc tiền cho trang trại, họ sẽ nuôi và chăm sóc lợn dùm. Đến sát Tết bắt lợn cân lên và thanh toán nốt các chi phí còn lại. Tại đây cũng nhận làm thịt hộ nên các gia đình rất ưa thích cách làm thuận tiện này.

Theo ý kiến của anh Kiên, một người mua và đặt nuôi lợn giun quế thì chi phí dự tính nuôi lợn vào khoảng 10 triệu đồng/con tầm 1 tạ. Tính ra mỗi hộ chung nhau chỉ tốn khoảng từ 2 triệu đồng mà có đủ các loại thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò,… để làm các món trong ngày Tết.

Bà Liên, chủ một trại nuôi lợn giun quế ở Sóc Sơn cho biết, hiện nay nguồn cung loại thịt này rất hạn chế, hàng phải đặt trước khá lâu. Trang trại của bà hiện có khoảng 200 con, mỗi tuần xuất chuồng 4 con, bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, tốc độ tiêu thụ sản phẩm rất nhanh. Để đủ cung cấp cho thị trường Tết, bà Liên đã nuôi tăng gia thêm 40 con. Bà cũng chia sẻ, còn cách Tết 2 tháng rưỡi nữa nhưng người dân nội thành đã về đây đặt trước cả tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân Thủ đô không chỉ tìm mua thịt lợn giun quế mà còn lên tận các tỉnh miền núi Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La để “săn lùng” thực phẩm sạch. Bên cạnh việc các gia đình đặt mua lợn mán, lợn sách chính hiệu thì các mặt hàng khác như thịt gia cầm gà, vịt cũng được chuẩn bị từ khá sớm, chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới. Nắm bắt được xu hướng ưa thực phẩm quê của người dân thành thị, một số hộ gia đình cũng kinh doanh thực phẩm sạch bằng cách nhờ người thân ở quê cung cấp thực phẩm rồi bán lại cho hàng xóm, người quen.

Trên Dân trí  từng đưa tin về một loại hình chợ mới tại các chung cư. Tại đây, người dân có thể trao đổi hàng hóa, tìm mua các mặt hàng phong phú và đa dạng từ thực phẩm tươi sống như thịt gia cầm, gia súc, hải sản đến lương thực như gạo, đến các loại rau rừng, rau quê, hay đặc sản các vùng miền. Phần lớn, nguồn hàng từ đây đến từ các vùng quê, tỉnh thành lân cận. Chia sẻ với Dân trí, chị Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội), một người chuyên bán thực phẩm sạch cho biết, bố mẹ chị thường hay gửi gạo, rau, thịt cá lên cho hai vợ chồng chị. Nhận thấy, nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng những thực phẩm sạch như thế nên chị nảy ra ý tưởng bán đồ quê.

Mặt hàng của chị nhận được sự ủng hộ và yêu thích của nhiều hộ gia đình xung quanh. Tính riêng gạo quê cũng đã có gần trăm hộ trong chung cư thường xuyên đặt mua, còn thịt lợn thì mỗi tuần chuyển ra cho chị bán khoảng vài chục cân.

Minh Vy/TH


Các tin cùng chuyên mục