Ngành dệt may Việt Nam và những giải pháp phát triển bền vững, xanh hóa


Ngày 15 – 16/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng tổ chức trong và ngoài nước tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững” và Hội nghị tổng kết VITAS 2022. 

Hội nghị tổng kết vitas Ngành dệt may Việt Nam và những giải pháp phát triển bền vững, xanh hóa

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại sự kiện

Chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, năm 2022 là một năm đầy những biến động khó khăn, thách thức thậm chí còn khó khăn hơn cả giai đoạn Covid – 19 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 44 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,8% so với năm 2021. Để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, của các cơ quan, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các khách hàng và đối tác, đặc biệt là người lao động đã luôn đồng hành giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu của ngành dệt may năm 2023 dự tính kim ngạch xuất khẩu là 47– 48 tỷ đô la Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của VITAS và ngành dệt may trong năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để giải quyết những kiến nghị của ngành dệt may. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị VITAS và các doanh nghiệp tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, tận dụng triệt để các cơ hội phát triển của ngành, có nhiều giải pháp để tận dụng các FTA. Vitas thực hiện tốt vai trò đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ ngành và Chính phủ, tăng cường thúc đẩy xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hội viên, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững. Bộ Công Thương luôn ủng hộ, đồng hành cùng VITAS và các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu năm 2023 phát triển bền vững, tại hội nghị tổng kết, ngành dệt may Việt Nam đưa ra một số giải pháp cụ thể: (1) Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng NPL giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành; (2) Xây dựng các giải pháp bán hàng Fob, ODM…; (3) Xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế của toàn cầu; (4) Đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam; (5) đẩy mạnh đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Đầu tư công nghệ cao cũng chính là ‘Chìa khóa’ phát triển ngành dệt may Ngành dệt may Việt Nam và những giải pháp phát triển bền vững, xanh hóa

Đổi mới, đầu tư công nghệ cao là một trong những giải pháp phát triển bền vững, xanh hóa ngành dệt may. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng xanh hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,… nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,… để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

L.C/Lifestyle

 

 

 

 


Các tin cùng chuyên mục