Khu vườn của gia đình ông Vượng nằm lọt thỏm trong lũng sâu, phía trên là đồi chè, cà phê, tiêu xanh ngắt, bên dưới là hồ nước rộng khoảng 4 sào, từng đàn vịt trời theo nhau bơi lội, kêu la inh ỏi. Ông Vượng khoe: “Vài tháng trước vịt trời đông kín ao, tôi vừa xuất lứa vịt thịt mấy nghìn con cho các nhà hàng, trang trại trong và ngoài tỉnh!”.
Ông Vượng kể, thường xuyên theo dõi các chương trình khuyến nông trên ti vi, thấy giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi hay lắm! Ông tâm đắc mô hình nuôi vịt trời của một nông dân tỉnh Bắc Giang là anh Tô Quang Dần. Trên Tây Nguyên, người ta nuôi các loài đặc sản rừng như chồn, nhím, heo rừng thì nhiều rồi, nhưng nuôi vịt trời quy mô lớn thì chưa hề có. Nghĩ mình có điều kiện vườn, ao thuận lợi để nuôi vịt trời, tôi quyết định ra Bắc một chuyến để tìm hiểu thực tế.
Tháng 2/2014, được vợ là bà Thúy Hường nhất trí, ông Vượng gom tiền vượt ngàn dặm tìm tới trang trại của tỷ phú vịt trời ở huyện miền núi huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Lặn lội qua nhiều chặng đường từ ô tô khách, xe thồ đến thuê xe trâu hàng chục cây số, gặp được chủ trang trại nhiệt tình, ông chốt giá mua giống. Đường xa không thể vận chuyển vịt con, ông mua 200 quả trứng với giá 130 nghìn đồng/trứng, đóng thùng mang về ấp tại lò trứng vịt. Sau 1 tháng, số trứng nở được 153 vịt con. Chăm sóc tốt, vịt 7 tháng tuổi lại bắt đầu sinh sản.
Bà Hường chia sẻ: “Từ khi làm vợ ông Vượng, chưa khi nào tôi hồi hộp, lo lắng như khi ông Vượng quyết định nuôi vịt trời. Giống thì đắt mà khí hậu 2 miền lại khác nhau, tôi chỉ sợ vịt không sống nổi. Mang trứng đến lò ấp, sợ người ta đánh tráo, vợ chồng tôi phải nói dối là ấp trứng vịt ta, trứng nở vịt con khác hẳn vịt thường tôi mới nói thật. Không ngờ, ở đây hợp khí hậu, đàn vịt phát triển nhanh mà ít bệnh dịch. Nay yên tâm rồi”.
Thời gian đầu, ông Vượng tập trung nhân giống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những lần sau trứng ấp đảm bảo 90%. Vịt trời nhân giống rất nhanh, từ số vịt ban đầu, chỉ trong hơn 1 năm ông Vượng bán ra thị trường hàng nghìn con vịt giống và vịt thương phẩm. Từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình ông bán được hơn 5.000 con vịt thương phẩm với giá 300.000 đồng/con, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện trang trại của gia đình ông còn gần 100 con vịt đẻ, hơn 500 con vịt thương phẩm và vịt giống.
Mỗi lứa vịt mái đẻ trong 3 tháng được 90 quả trứng, một con vịt mái có thể đẻ hàng trăm quả trứng/năm. Ông liên tục cho vịt ấp trứng mà vẫn không đủ giống cung ứng ra thị trường. Ngoài khách từ các địa phương trong tỉnh, người chăn nuôi ở Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Trà Vinh, Củ Chi… cũng nghe tiếng tìm đến đặt hàng.
Loài vịt trời dù được thuần hóa nhưng vẫn còn tập tính hoang dã, sải cánh khá dài, thân nhẹ dễ bay. Vịt trời nuôi 4 tháng trọng lượng mỗi con đạt khoảng 1 – 1,2kg, thịt chắc, thơm ngon hơn hẳn vịt nhà. “Thực ra nuôi vịt trời chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Nhìn chung, cách chăm sóc cũng chẳng khác là bao so với nuôi vịt nhà. Chủ yếu là tiêm vắc xin phòng bệnh đúng thời điểm, thức ăn đầy đủ là được” – ông Vượng chia sẻ.
Hiện, ông Vượng đang xây dựng một trang trại rộng 2 ha, cách nhà khoảng 3 cây số đủ điều kiện để nuôi vịt trời với quy mô từ 20.000 – 30.000 con.
Theo TP