Ngày 19/10/2020, Cushman & Wakefield Việt Nam vừa phát hành Báo cáo Cập nhật Thị trường Văn phòng quý 3 năm 2020 cho phân khúc bất động sản Văn phòng và Công nghiệp tại Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi với GDP tăng trưởng 2,6% trong quý 3 năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 0,4% đạt được trong quý 2, chủ yếu nhờ các biện pháp của chính phủ đã kiểm soát thành công đại dịch cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2020, với mức tăng trưởng cả năm 2020 dự kiến khoảng 2-3%, một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới, khi động lực phát triển kinh tế tăng tốc và xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ở thị trường bất động sản văn phòng, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn cung mới khoảng 6.000 m2 diện tích văn phòng, chiếm tỉ lệ 1/5 cùng kì năm ngoái. Đại dịch đã thúc đẩy tỷ lệ trống ở TP HCM đến 8%, trong khi quý 3 năm 2019 chỉ có 3%, nhưng tỷ lệ trống ở Hà Nội chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận ở mức 8%. Giá thuê trung bình tiếp tục có xu hướng tăng tại TP.HCM, tăng 1% so với cùng kì năm 2019 và 4% so với năm 2019 do chủ thuê vẫn chưa giảm giá vì nhu cầu thuê vẫn tăng mạnh. Xu hướng tăng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn và trung hạn. Tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình nói chung vẫn ổn định trong quý nhưng tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thuê cao hơn ở phân khúc Hạng A. Giá thuê ở cả hai hạng A và B dự kiến sẽ ổn định hoặc có khả năng giảm nhẹ do cạnh tranh gia tăng. Tỷ lệ lấp đầy nói chung duy trì ở mức tốt, xấp xỉ 92% tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nhờ ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID-19, Việt Nam được coi là một trong những điểm đến hàng đầu cho các công ty nước ngoài tái khởi động sản xuất. Do đó, bất động sản công nghiệp sẽ chịu ít ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Trong Quý 3 năm 2020, phân khúc Công nghiệp ở cả Hà Nội và TpHCM không có nguồn cung mới và thị trường khá ổn định. Giá thuê đất công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn cao nhất cả nước, với giá thuê trung bình tăng 4,9% so với cùng kỳ quý trước và 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là vì không có nguồn cung mới do các khu công nghiệp mở rộng đang chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, và nhu cầu về kho vận đang tăng lên cũng như ngành sản xuất đang có xu hướng sẽ tăng tốc trong năm tới trong bối cảnh làn sóng các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình ổn định so với cùng kỳ quý trước nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế. Hà Nội vẫn là nơi có giá thuê đất công nghiệp bình quân cao nhất trong số các tỉnh phía Bắc.
Theo Alex Crane, Giám đốc Điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam, “Việt Nam đã trải qua thời kỳ đại dịch khi hầu hết các nhóm ngành kinh tế và khu vực địa lý trên cả nước đang phát triển ổn định và mạnh mẽ, hiện tại chúng tôi kỳ vọng xu hướng phát triển mạnh mẽ đó sẽ tăng tốc. Thương mại điện tử, kho vận và công nghiệp từng phát triển nhanh chóng nhưng nay sẽ tăng trưởng nhanh hơn khi các nhà sản xuất tích cực chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các địa điểm mới cạnh tranh về chi phí như tại Việt Nam. Đại dịch đã gây áp lực lớn hơn đối với mọi hình thức bất động sản cho thuê trong ngắn hạn và những đơn vị đầu tư với năng lực vận hành và quản lý kém sẽ phải tự nâng cấp mình nếu không muốn những đối thủ mới với năng lực tốt hơn thế chỗ. Văn phòng, đặc biệt là phân khúc bình dân và trung bình, và bất động sản công nghiệp sẽ vẫn là những phân khúc có triển vọng sáng nhất, ít chịu ảnh hưởng nhất bởi COVID-19 với giá thuê tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm 2020.”
T.D/Lifestyle