Thị trường căn hộ tầm trung vẫn tăng trưởng tích cực ở cả hai thành phố lớn nhất Việt Nam


Ngày 14/01/2021, Cushman & Wakefield Việt Nam công bố Báo cáo Quý MarketBeat về Thị trường Văn phòng, Khu Công nghiệp và Nhà ở tại Việt Nam trong Quý 4 năm 2020.

Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong năm 2020 với tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,9%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp tăng 3,4%, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu tăng 3,6% – 6,5%. Những chỉ số này đều ghi nhận ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 25,0%, khách quốc tế giảm mạnh 78,7%. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,3% trong khi số doanh nghiệp tạm đóng cửa và doanh nghiệp giải thể lần lượt tăng 62,2% và 3,7%. Tuy nhiên, các kết quả này vẫn được đánh giá tốt hơn so với dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rơi vào hủng hoảng do đại dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ kịp thời của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch và vực dậy nền kinh tế, cùng với cải thiện về cơ sở hạ tầng và cải cách luật pháp tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực trong năm tới.

Cushman Wakefield Việt Nam Thị trường căn hộ tầm trung vẫn tăng trưởng tích cực ở cả hai thành phố lớn nhất Việt Nam

Trong lĩnh vực văn phòng tại Tp. HCM, quý 4 năm 2020 ghi nhận thêm một tòa nhà hạng B được hoàn thành nâng tổng nguồn cung của phân khúc Hạng B tăng lên 1% so với quý trước và 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nguồn cung Hạng A không đổi. Cả hai hạng đều ghi nhận hấp thụ thuần âm do hậu quả của đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về tài chính, kéo theo tỷ lệ lấp đầy bình quân giảm 1,8 điểm phần trăm so với quý trước và 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 90%. Trong khi đó, Hà Nội có ba dự án văn phòng mới hoàn thành, giúp thị trường dần hồi phục. Tổng nguồn cung tăng mạnh 10% so với quý trước và 12% so với cùng kỳ năm trước. Hấp thụ thuần được ghi nhận ở mức cao, chủ yếu đến từ các dự án mới, trong khi các dự án hiện hữu có mức hấp thụ thuần khiêm tốn hoặc thậm chí ở mức âm do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, do nguồn cung mới lớn và kết quả hoạt động sụt giảm tại các dự án hiện hữu đã làm giảm tỷ lệ lấp đầy trung bình của thị trường khoảng 4,5 điểm phần trăm so với quý trước và 5,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hà Nội được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định trong ngắn đến trung hạn do nền kinh tế được dự báo là sẽ sớm phục hồi.

Lĩnh vực khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn cung ổn định và hoạt động thị trường ổn định trong khi thị trường Hà Nội tiếp tục được cải thiện. Công suất thuê ở Tp. HCM tăng 1 điểm phần trăm theo quý và theo năm, đạt 85,6%, chủ yếu do công suất sử dụng được cải thiện tại các khu công nghiệp ở các quận phía Bắc thành phố. Hiệu quả thị trường Hà Nội tiếp tục được cải thiện, với công suất thuê tăng khiêm tốn theo quý và theo năm ở mức 1 điểm phần trăm lên 77%. Hầu hết các dự án hiện tại đều đã không còn chỗ trống hoặc có diện tích đất trống để cho thuê rất hạn chế.  Tại Tp. HCM, mặt bằng giá thuê trung bình tổng thể tăng 4,9% so với quý trước và 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tại Hà Nội, giá thuê vẫn ổn định so với quý trước nhưng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu đất công nghiệp tăng cao trong bối cảnh làn sóng các công ty dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Giá thuê thị trường tổng thể vẫn cao nhất cả nước, cao hơn Hà Nội 30%, cao hơn Bình Dương và Đồng Nai 60% – 70%.

Phân khúc căn hộ tầm trung vẫn tiếp tục ghi nhận hoạt động tích cực nhất ở cả hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Với tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 được kiểm soát tốt và triển vọng kinh tế lạc quan hơn, niềm tin của cả người mua và các chủ đầu tư được củng cố, dẫn đến các hoạt động mở bán và lượng giao dịch đã tăng trở lại. Hạng B chiếm ưu thế với gần 75,0% tổng lượng cung căn hộ mới ở Tp.HCM trong khi con số này ở Hà Nội là 50,0%. Tại Tp. HCM, lượng giao dịch tăng nhẹ gần 1,0% so với quý trước nhưng vẫn giảm hơn 20,0% so với cùng kỳ năm ngoái, còn ở Hà Nội, lượng giao dịch tăng đáng kể 14,0% so với quý trước nhưng giảm 52,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn hai phần ba tổng số giao dịch được ghi nhận ở Tp. HCM thuộc phân khúc hạng B, chủ yếu do kết quả bán hàng ấn tượng tại một dự án có chủ đầu tư có uy tín ở khu vực phía Đông thành phố, trong khi lượng giao dịch ghi nhận ở phân khúc Hạng A và Hạng C chiếm tỷ trọng ngang nhau, mỗi hạng chiếm khoảng 15,0%. Ở Hà nội, hơn một nửa tổng số giao dịch được ghi nhận thuộc phân khúc hạng B, tiếp theo là hạng C với hơn 40,0%. Tp.HCM chứng kiến sự tăng trưởng tốt về giá trên tất cả các phân khúc trong khi tại Hà Nội, giá trung bình có xu hướng tăng trong Quý 4/2020. 

“Trong buổi bình minh mới của thế giới, người thuê sẽ tự tạo ra những xu hướng mới vì họ sẽ xem xét lại cách sử dụng không gian văn phòng của mình. Tại các thị trường lớn đã ổn định, Cushman & Wakefield cho rằng những thay đổi về cách sử dụng không gian văn phòng có thể dẫn đến việc giảm 20% nguồn cung cho các văn phòng trung tâm lớn nhất trên thế giới. Tại một thị trường mới nổi và tương đối ổn định như Việt Nam, chúng tôi vẫn dự đoán mức tăng trưởng và hấp thụ thuần dương dựa trên dự báo về tăng trưởng GDP mạnh mẽ vào năm 2021. Năm 2021 được xây dựng dựa trên nền kinh tế vĩ mô vững chắc và sức sống mới từ các chủ đầu tư cũng như khách thuê mang lại. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là một ngôi sao đang lên ở châu Á và nhận được vốn đầu tư từ cả nhà đầu tư và người thuê”, theo Alex Crane, Tổng Giám đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam.

Paul Tonkes, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Bất động sản Công nghiệp và Kho vận, Cushman & Wakefield Việt Nam, chia sẻ “Đại dịch, cùng với căng thẳng thương mại và chi phí lao động tăng cao, đã đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ các ưu đãi của chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh cũng như môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định”. 

T.D/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục