Với màn trình diễn mãn nhãn và xuất thần, diễn viên Gia Bảo đã xuất sắc đạt giải Quán quân chương trình Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ 2016. Giải thưởng vô cùng có ý nghĩa với Gia Bảo bởi đây là thành quả chung của anh và vợ – nữ diễn viên Thanh Hiền – người đã đồng hành, hỗ trợ hết mình cho anh trong suốt 3 tháng của cuộc thi.
Niềm hạnh phúc của Gia Bảo còn được nhân lên gấp bội khi ông nội của anh là NSƯT Bảo Quốc cùng bà nội, cô Hồng Loan cũng đã có mặt ở Việt Nam cùng với mọi người trong gia đình đến phim trường ủng hộ tinh thần cho anh. Do không kịp có mặt ở Sài Gòn nên cựu Quán quân Huỳnh Lập đã không thể tham gia chương trình và chúc mừng đàn anh Gia Bảo, thay vào đó là cựu Á quân Nam Thư. “Kiều nữ làng hài” đã sánh đôi cùng Quán quân Cười Xuyên Việt 2016 Anh Tú đến chúc mừng đêm đăng quang của các nghệ sĩ, đồng nghiệp. Ngoài Nam Thư và Anh Tú, đêm Chung kết xếp hạng của Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ còn có sự góp mặt của danh hài Phú Quí, diễn viên Tuyết Thu, Diệu Nhi, Quán quân Cười Xuyên Việt mùa đầu tiên (2014) Lê Dương Bảo Lâm,…
Gia Bảo biến hóa xuất thần trong đêm chung kết
Tiết mục của Gia Bảo mang tên “Đêm hát cuối cùng”, là câu chuyện về một người nghệ sĩ già (Gia Bảo đóng) đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng ông luôn khao khát được một lần được đứng hát trở lại trên sân khấu. Biết được tâm tư và ước nguyện cuối cùng của ông, những người bạn già trong bệnh viện đã cùng nhau giúp ông tổ chức một show diễn nhỏ, thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như Bolero, cải lương hồ quảng, tấu hài…Để thể hiện phân đoạn này, Gia Bảo đã hóa thân liên tục vào nhiều hình tượng khác nhau. Đầu tiên là hình tượng nữ ca sĩ hát Bolero song ca cùng “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, kế đến là màn tái hiện độc đáo hình ảnh của ông nội – danh hài Bảo Quốc thời trẻ – lúc còn tấu hài với nghệ sĩ Duy Phương (con trai Duy Phương đóng), hình ảnh chú khỉ Tôn ngộ không….
Trong lúc hóa thân thành chú khỉ đu dây, Gia Bảo bị vuột tay té không hoàn thành vai diễn khiến khán giả bỏ về. Sự quay lưng của khán giả là nỗi đau lớn nhất của Gia Bảo và nó khiến ông ngã gục trên sân khấu. Nhờ có bác sĩ Đàm Vĩnh Hưng chăm sóc, ông may mắn tỉnh lại. Sau đó, nhờ sự động viên an ủi của vợ và những người bạn già, ông quyết định sẽ truyền nghề cho các thế hệ trẻ để tiếp nối niềm đam mê ca hát của mình. Thông điệp của câu chuyện được MC Trác Thúy Miêu diễn giải nhẹ nhàng bằng hình ảnh của những cánh hoa mai rực rỡ trong ngày Tết và lụi tàn, thậm chí bị vứt bỏ khi hết Tết. Đó cũng chính là quy luật của tự nhiên, của cuộc sống, không ai có thể sống mãi trong thời kỳ đỉnh cao, huy hoàng nhưng dù cho ngày sau có như thế nào thì những người nghệ sĩ vẫn cứ cháy hết mình và sẵn sàng được chết trên ánh hào quang của sân khấu.
Để vào vai người nghệ sĩ già bệnh tật, trước giờ chung kết, Gia Bảo đã bí mật đi cạo đầu để vai diễn chân thật hơn. Góp phần không nhỏ cho thành công của tiết mục là sự trợ diễn của các diễn viên Hồng Trang, Hồng Thanh, Minh Dự, MC Trác Thúy Miêu, Duy Phước, Trịnh Tú Trung và đặc biệt là nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Được biết, anh đã từ chối catse của Ban Tổ Chức để hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cho Gia Bảo.
Khi nhận xét về tiết mục của Gia Bảo, Giám khảo NSƯT Hoài Linh đã xin phép NSƯT Bảo Quốc để nhận xét, bởi NSƯT Bảo Quốc là người mà Hoài Linh rất kính trọng về nghề và anh luôn gọi ông là ba. Cách ứng xử của Hoài Linh khiến cho nhiều khán giả thêm yêu mến và nể phục anh. Hoài Linh nhận xét: “Tiết mục được đầu tư kỹ càng, những mảng miếng nhỏ được xâu chuỗi lại thành một câu chuyện lớn hấp dẫn. Gia Bảo không chỉ mang đến tiếng cười mà còn cả sự lắng đọng…”.
Tiết mục đã mang về cho Gia Bảo danh hiệu Quán quân của chương trình Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ 2016 cùng giải thưởng 200 triệu đồng tiền mặt. Trước khi lên sân khấu diễn, Gia Bảo đã có những chia sẻ xúc động về hành trình của anh tại Cười xuyên Việt: “Khi tham gia Cười xuyên Việt tôi đã đã vô cùng lo lắng và cả sợ hãi, vì nếu mình làm không tốt,mình làm tệ thì sẽ mất hết bao sự tin tưởng của các anh chị em đồng nghiệp, của khán giả, của vợ con. Quan trọng hơn là sợ phong cách diễn hài của mình bị già cỗi không hợp với các khán giả trẻ, lỡ rớt sớm thì sẽ tuột hạng, mất show thì tiền đâu mà sống? Bao nhiêu áp lực đè nặng cộng thêm đó là thời điểm vô cùng tuyệt vọng khi 2,3 cố vấn đều bận việc riêng từ chối, cuối cùng người cố vấn cho mình chính là bà xã. Hiền và mình cùng đồng hành trong thời điểm hôn nhân mình đang đứng ở bờ vực và Cười xuyên Việt đã hàn gắn hai vợ chồng để cả hai cùng sát cánh bên nhau mà bay những cung đường gian khó…”
Lê Nam đưa nghệ thuật múa bóng rỗi lên truyền hình
Tuy không giành được danh hiệu cao nhất nhưng Lê Nam đã có sự bứt phá đáng kể trong đêm Chung kết xếp hạng với quyết định táo bạo đó là đưa nghệ thuật múa bóng rỗi lên sân khấu gameshow Cười Xuyên Việt. Đây là điều hiếm khi xảy ra, tuy nhiên nhờ sự thuyết phục của NSƯT Hoài Linh, các nghệ nhân múa bóng rỗi Ngọc Đào và Ngọc Thanh với gần 20 năm trong nghề đã nhận lời tham gia và màn trình diễn của 2 nghệ nhân đã khiến cho khán giả mãn nhãn thích thú với kỹ thuật múa điêu luyện của mình. Trong tiểu phẩm, Lê Nam vào vài ông bầu đoàn múa bóng rỗi dù rất yêu nghề nhưng vì cuộc sống mưu sinh cơm – áo – gạo – tiền, ông đành phải ép các diễn viên trong đoàn biểu diễn múa bóng rỗi mang tính thị trường, làm biến tướng môn nghệ thuật múa bóng rỗi truyền thống. Mọi người trong đoàn đã không đồng ý và đã mời 2 nghệ sĩ múa bóng rỗi chuyên nghiệp về diễn. Khi xem phần trình diễn điêu luyện của 2 nghệ nhân múa bóng rỗi Ngọc Đào và Ngọc Thanh…anh đã thức tỉnh và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống.
Tiết mục mang đến nhiều tiếng cười hài hước và giúp khán giả hiểu thêm sự hấp dẫn của nghệ thuật múa bóng rỗi. Trợ diễn đắc lực cho Lê Nam trong tiểu phẩm là diễn viên Lạc Hoàng Long, Hữu Đằng, Minh Trọng, Quang Phương và đạo diễn Vũ Trần – cố vấn của Lê Nam trong suốt cuộc thi. Nhận xét về tiết mục của Lê Nam, NSƯT Hoài Linh khen ngợi: “Tôi cảm thấy lo lắng xen lẫn hồi hộp khi Lê Nam chọn làm về chủ đề cho đêm chung kết. Lê Nam đã táo bạo khi dám mang múa bóng rỗi lên sân khấu Cười xuyên Việt một cách hài hước và hấp dẫn. Đây cũng là một tiếng chuông đánh động cho mọi người biết môn nghệ thuật này đang bị biến tướng và cần đặt múa bóng rỗi vào vị trí xứng đáng để giữ gìn nét đẹp độc đáo”. Tiết mục đã mang về cho Lê Nam danh hiệu Á quân cùng giải thưởng trị giá 60 triệu đồng tiền mặt.
Puka đưa “nỗi buồn chợ hoa” ngày Tết vào tiểu phẩm
Tiết mục của Puka mang tên “Hoa xuân” nói về cái Tết của bà mẹ bị tật nguyền (Puka) và đứa con gái nhỏ (bé Kim Thư). Hai mẹ con sống bằng nghề bán hoa Tết trên ghe, dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng người mẹ luôn hào phóng, chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm như cho gạo, bếp lò và cả chiếc thuyền mưu sinh của mình. Tiết mục nói về những khó khăn của các nhà vườn khi hoa không kịp nở đúng dịp Tết và thói quen mua hoa cận Tết của người dân để được giá rẻ nhưng lại khiến cho người trồng hoa và chủ vựa lâm vào cảnh lao đao. Tham gia trợ diễn trong tiết mục của Puka là nữ diễn viên cải lương Thanh Hằng, Á quân Cười Xuyên Việt 2016 Tuấn Dũng và cố vấn Khả Như…
Nhận xét về tiết mục, giám khảo Hoài Linh cho biết trên đường đi đến phim trường anh vẫn thấy rất nhiều người còn bán hoa Tết mà không có người mua và anh ước gì mỗi người dân ghé mua giúp họ 1 cặp bông để họ sớm có được cái Tết. Danh hài khen tiết mục của Puka sáng tạo, tiếng cười không nhiều nhưng mang đến được thông điệp làm anh cảm thấy ấm áp hơn khi phải ngồi 1 mình trên ghế giám khảo.
Tiết mục đã giúp Puka đạt danh hiệu Á quân (đồng giải với Lê Nam) cùng giải thưởng trị giá 60 triệu đồng tiền mặt.
Linh Chi/Lifestyle