Đồng Nai đang tính toán gì cho sân bay Long Thành?


Điều chỉnh quy hoạch một loạt khu đô thị, kêu gọi đầu tư nhiều khu tái định cư, khu công nghiệp, thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người dân… Đó là những bước đi mà tỉnh Đồng Nai đang ráo riết chuẩn bị để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tóm tắt

– Việc hình thành dự án trên diện tích gần 5.000 ha sẽ có ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận lớn dân cư sinh sống. Do đó, tỉnh đang gấp rút quy hoạch xây dựng nhiều khu đô thị, tái định cư mới nhằm chuẩn bị cho kế hoạch lớn xây dựng sân bay sắp tới

– Đồng Nai sẽ giải quyết 100% nhu cầu chỗ ở tái định cư cho trên 5.000 hộ bị giải tỏa trắng thuộc các địa bàn xây dựng sân bay Long Thành, bằng các hình thức tái định cư phân tán bằng tiền, bằng đất nền hoặc bằng nhả ở. 

– Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Đồng Nai đã triển khai hoặc phối hợp xây dựng một số công trình có quy mô lớn.


Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có ý nghĩa lớn và rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội không chỉ ở Đồng Nai mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc hình thành dự án trên diện tích gần 5.000 ha sẽ có ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận lớn dân cư sinh sống. Do đó, tỉnh đang gấp rút quy hoạch xây dựng nhiều khu đô thị, tái định cư mới nhằm chuẩn bị cho kế hoạch lớn xây sân bay sắp tới”.

Được biết, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tỉnh này phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030 Đồng Nai sẽ có 17 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại 1 (Tp. Biên Hòa), 2 đô thị loại II (Long Khánh, Nhơn Trạch), 2 đô thị loại III (Long Thành, Trảng Bom), 7 đô thị loại IV (đô thị Bình Sơn, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú) và 5 đô thị loại V (đô thị Phước Thái, Phú Lý, Phú Túc, Thạnh Phú, La Ngà).

Theo Quy hoạch trên, tổng nguồn vốn đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là 91.190 tỷ đồng, trong đó các dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chiếm đến trên 38 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai là các dự án tái định cư chiếm trên 53 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, diện tích bình quân đầu người là 25m2/người. Đối với nhà ở thương mại, tỉnh sẽ đưa vào sử dụng khoảng 150.000m2 nhà ở trong giai đoạn 2014-2020, trong đó tập trung phát triển nhiều diện tích nhà ở cho đội ngũ chuyên gia.

Cũng trong giai đoạn này, Đồng Nai sẽ giải quyết 100% nhu cầu chỗ ở tái định cư cho trên 5.000 hộ bị giải tỏa trắng thuộc các địa bàn xây dựng sân bay Long Thành, bằng các hình thức tái định cư phân tán bằng tiền, bằng đất nền hoặc bằng nhả ởTổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 13.000 tỷ đồng, trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất trên 6.680 tỷ đồng; nhà và vật kiến trúc trên 840 tỷ đồng.

“Để có thể tranh thủ được nguồn vốn cần thiết cho công tác đền bù giải tỏa, xây dựng các khu tái định cư nói trên, Đồng Nai trong thời gian tới sẽ làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế, đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế thu hút nguồn vốn linh động và triển khai xã hội hóa đầu tư các dự án khu đô thị mới”, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Tại cuộc họp bàn về phương án tái định cư cuối tuần qua, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ trình các Bộ ngành liên quan xem, xét, đánh giá và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống các hộ dân có đất bị thu hồi đất thuộc dự án CHK Quốc tế Long Thành.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đề nghị cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Ông Lý Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết thêm: “Đồng Nai đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng để thuê các chuyên gia tư vấn quy hoạch nước ngoài hoạch định lại các quy hoạch hiện nay. Hiện tỉnh cũng đang chờ đợi những thông tin phản hồi từ các cơ quan chức năng. Sau đấy, tỉnh sẽ trình lại bản đồ siêu quy hoạch này để Chính phủ xem xét thông qua”.

Ngoài ra, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Đồng Nai đã triển khai hoặc phối hợp xây dựng một số công trình có quy mô lớn.

Cụ thể, dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch đang được tiến hành khẩn trương và sẽ hoàn thành trước khi sân bay khởi công xây dựng. Nhà máy này sẽ cung cấp nước cho mọi hoạt động của sân bay sau này. Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng hệ thống điện trung thế, cấp nước và đấu nối hệ thống xử lý nước thải ra ngoài khu vực sân bay.

Về điện, Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết sẽ lắp đặt 1 trạm biến áp gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 hoặc 2020. Bên cạnh đó, tại khu vực huyện Long Thành sẽ được đầu tư 4 trạm viễn thông, đủ khả năng phục vụ nhu cầu của sân bay.

Song song với đó, tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng 3 khu công nghiệp gồm Lộc An – Bình Sơn, Long Đức (giai đoạn 2) và khu công nghệ cao Amata Thái Lan gần khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khi hoàn thành, 3 khu công nghiệp trên sẽ giải quyết việc làm cho trên 57.000 lao động.

Theo Trí thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục