Việc thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn và động thái nới room tín dụng từ ngân hàng nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ngày 17/11 vừa qua, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã làm việc với thành phố lớn, doanh nghiệp và hiệp hội, trao đổi trực tiếp và tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại nhóm khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Điều này đã tạo kỳ vọng cho thị trường bất động sản dần được khơi thông và tháo gỡ các khó khăn tồn đọng.
Cùng với đó, Ngân hàng nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, hỗ trợ các dự án nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt… Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là động lực hỗ trợ thị trường bất động sản có thể dần hồi phục và phát triển trở lại.
Tại hội nghị Bất động sản Việt Nam – VRES 2022 được tổ chức ở TP HCM vào ngày 16/12 vừa qua, dựa trên ba chỉ báo lãi suất, tăng trưởng tín dụng và chính sách bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc trang thông tin Batdongsan (Property Guru Việt Nam) dự báo thị trường có thể đảo chiều trong thời gian tới.
Ở chỉ báo lãi suất, ông cho biết vào quý I/2012, Ngân hàng nhà nước bắt đầu có những điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng. Sau khoảng một năm rưỡi, đến quý II/2013, thị trường bất động sản xuất hiện tín hiệu cân bằng thị trường.
“Nếu đối chiếu ở giai đoạn hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1-6 tháng bắt đầu tăng lên từ quý II/2022. Như vậy, nếu giả định quý I/2023 Ngân hàng nhà nước bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh lãi suất thì thị trường sẽ cân bằng và dự báo xuất hiện tín hiệu đảo chiều vào quý II/2024”, ông Quốc Anh cho hay.
Ở chỉ báo tăng trưởng tín dụng, chuyên gia nhìn nhận năm 2012, mục tiêu tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Tới năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 12% và lạm phát giảm còn 6%. Ngay sau khi nới lỏng, thị trường lập tức có tín hiệu đảo chiều, theo chuyên gia này.
Còn đối với chỉ báo chính sách bất động sản, ông Quốc Anh cho biết đầu năm 2022, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định 422 yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Quyết định này cũng tương đồng với Nghị quyết 11 liên quan đến việc siết tín dụng, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và giảm tỷ trọng vốn vay cho lĩnh vực phí sản xuất, trong đó có bất động sản. Sau khoảng hai năm, Chính phủ mới bắt đầu nới lỏng tín dụng, hỗ trợ thị trường.
“Chưa phải mất đến hai năm như giai đoạn trước, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang phát tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong năm nay, chưa có một sự hỗ trợ cụ thể nào đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Dự báo về thời điểm đảo chiều của thị trường, kết quả khảo sát 442 nhà môi giới của kênh Batdongsan chỉ ra khoảng 34% người cho rằng hai quý cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mà thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Khoảng 23% người được khảo sát có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng quý II/2023 thị trường sẽ có dấu hiệu đảo chiều.
“Có tới 57% môi giới nhìn nhận thị trường sẽ phục hồi trong năm 2023, điều này cho thấy niềm tin của thị trường vẫn còn rất lớn”, chuyên gia nhận định.
Theo VNexpress