Chương trình “Coca Cola Founders” được thành lập với mong muốn cung cấp vốn và nguồn lực cần thiết cho những công ty khởi nghiệp có ý tưởng tốt và tiềm năng mang lại lợi ích cho Coca Cola.
Nội dung nổi bật:
– Coca-Cola hiện là công ty kỳ cựu trong lĩnh vực đồ uống trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường cùng xu hướng khởi nghiệp bùng nổ, Coca-Cola buộc phải thay đổi.
– Họ tạo ra chương trình “Coca-Cola Founders” để cung cấp vốn và nguồn lực cần thiết cho những công ty khởi nghiệp có ý tưởng tốt và tiềm năng mang lại lợi ích cho Coca Cola.
Coca-Cola đã 130 năm tuổi, có vốn hóa thị trường 179 tỷ USD, thuê 129.000 nhân viên và họ đang làm rất, rất tốt.
Sản xuất nước soda chỉ là bề nổi của câu chuyện Coca Cola. Còn có hàng loạt công việc khác liên quan đến các siêu thị, cửa hàng trên toàn cầu; đáp ứng nhu cầu khổng lồ thông qua các chuỗi cung ứng, lưu trữ hàng hóa, bao bì sản phẩm, nhân viên, chưa kể đến doanh số bán hàng và các chiến dịch marketing.
Mỗi một phần trong số đó đều là một bộ phận khổng lồ, hoạt động độc lập, thậm chí là một doanh nghiệp liên quan đến đế chế Coca-Cola hùng mạnh.
Tuy nhiên, David Butler – Phó chủ tịch phòng cải tiến của Coca Cola chia sẻ rằng: “Trong thời điểm làn sóng khởi nghiệp sục sôi trên toàn thế giới, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp lớn điêu đứng cũng là lúc Coke hiểu rằng, họ không thể lờ đi việc này”.
Chính vì vậy, chương trình “Coca-Cola Founders” ra đời. Đây được cho là bàn đạp giúp các nhà sáng lập trẻ có điều kiện nhận được nguồn vốn đầu tư, kết hợp với những nguồn lực cần thiết để giải quyết “thử thách tỷ đô” của Coca-Cola với hy vọng tạo lập doanh nghiệp của riêng mình. Và dĩ nhiên, họ được tự do sáng tạo và thử sức trong nhiều lĩnh vực chứ không bị gò bó phải trở thành một nhà sản xuất soda.
Hiện tại, đã có 11 công ty khởi nghiệp tham gia chương trình và một nửa trong số đó đang hướng đến các vòng huy động vốn.
“Coca-Cola Founders” là phiên bản thứ 3 của chương trình tìm kiếm những cách làm kinh doanh kiểu mới. Phiên bản đầu tiên đã bị thất bại bởi đây gần như chỉ là nơi tập hợp của một nhóm lãnh đạo và nhà quản lý cố gắng nghĩ ra những ý tưởng khởi nghiệp mới. “Chương trình này thực chất là cuộc họp bàn của những nhà lãnh đạo, không phải những người thích chính phục và khám phá”.
Phiên bản thứ 2 cải tiến hơn khi có sự tham gia của các doanh nhân thực thụ. Họ làm việc như những nhân viên đầu tiên của công ty và tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn nhất. Tuy nhiên, việc thiếu tính công bằng và lòng nhiệt huyết của các nhà sáng lập khiến chương trình cuối cùng cũng thất bại.
Đến mãi đầu năm 2014, “Coca-Cola Founders” mới chính thức được hình thành. Một số công ty khởi nghiệp tham gia chương trình ngay từ đầu như Wonolo đã tách thành công ty độc lập và Coke trở thành cổ đông của họ.
Giống như nhiều tổ chức ươm mầm khởi nghiệp khác, Butler khẳng định “Coca Cola Founders” là “nền tảng” cung cấp vốn và mạng lưới quan hệ cho các nhà sáng lập. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ Coca Cola sẽ tham gia cùng họ trong một chặng đường dài. Không có giới hạn về số lượng các startup cũng như thời hạn họ có thể tham gia và số tiền vốn họ có thể nhận được.
Dĩ nhiên, những startup được chọn tham gia chương trình phải có một ý tưởng lớn có ích cho công việc kinh doanh của Coke. Ngược lại, bản thân các nhà sáng lập và công ty khởi nghiệp này cũng có cơ hội tiếp cận đến những khách hàng lớn đầu tiên thông qua Coke. Hiện Coca-Cola đang nắm giữ 20% cổ phần tại các công ty khởi nghiệp.
Cuối cùng, bằng việc hỗ trợ các nhà sáng lập tiếp cận với vốn và các nguồn lực sẵn có, Coca-Cola không chỉ có cơ hội mở rộng mảng kinh doanh, bắt kịp xu hướng trên toàn cầu mà còn giúp sản sinh ra nhiều công ty khởi nghiệp thành công hơn cho thế giới.
Theo Trí thức trẻ