Nghĩa trang Thái giám – nơi an nghỉ cuối cùng của rất nhiều những vị thái giám triều Nguyễn rộng khoảng 1000m2, gồm 23 ngôi mộ của 23 vị thái giám, nằm ở một góc khuôn viên chùa Từ Hiếu. Bên ngoài khu nghĩa trang thái giám, còn rất nhiều những ngôi mộ khác của các cung tần, mỹ nữ từng sống trong cung. Rất ít người qua lại nghĩa trang, bởi không gian của nghĩa trang thái giám rất hiu quạnh, lạnh lẽo như chính cuộc đời cô quạnh của những con người nằm an nghỉ nơi đây.
Chùa Từ Hiếu cách trung tâm Tp.Huế khoảng 7m về hướng Tây Nam. Chùa được xây chính xác vào năm nào chưa ai biết. Trước kia, chùa chỉ là một cái am nhỏ. Đến thời vua Thiệu Trị (1807 – 1847), một thái giám tên là Châu Phước Năng do lo lắng về sự cô đơn của mình cũng như nhiều thái giám khác khi nằm xuống, đã đứng ra quyên tiền trùng tu chùa Từ Hiếu và chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau này, các thái giám có đóng góp, làm công quả, công đức tại chùa thì đều chọn nơi này là nơi thi thể của họ được nằm xuống. Nhà chùa tổ chức an táng các thái giám và cúng giỗ hàng năm cho họ.
Ngược dòng lịch sử đến khoảng thời gian của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, khi đó các thái giám được đưa vào cung để giám sát đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa. Các thái giảm để được vào cung hầu hạ, phải qua tuyển lựa khắt khe và phải học những nghi thức bắt buộc của cung đình, từ việc đi đứng cho đến cách ăn mặc, bẩm, thưa… Có nhiều đứa trẻ mới lên 7 đã được đưa vào cung học phép tắc thái giám và sống trong cung cấm cho đến già.
Thái giám thì bao gồm : giám sinh và giám lặt. Giám sinh là những nam giới sinh ra bẩm sinh đã không có bộ phận sinh dục nam. Theo quy định, thì làng nào có cậu bé giám sinh mà đem tiến vào cung thì đó là một điềm tốt, cả làng sẽ được hưởng bổng lộc vua ban. Còn giám lặt là những người nam tự nguyện muốn được vô cung để hầu hạ vua, chúa hoặc những gia đình vì quá nghèo khổ nên đã đưa con trai mình vô cung làm thái giám, những cậu bé, nam giới này phải trải qua một giai đoạn vô cùng đau đớn là phải loại bỏ bộ phận sinh dục (gọi là tịnh thân) rồi mới được đưa vào cung hầu hạ cho vua chúa, hoàng hậu…
Tuy là người để vua sai vặt nhưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam có những thái giám được triều đình trọng dụng và nhờ có tài, họ nổi tiếng trong chuyện triều chính như Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832). Đến thời vua Minh Mạng (1820-1841), nhằm tránh tình trạng thái giám nổi loạn chuyên quyền trước đó, vua đã ban hẳn một chiếu chỉ riêng dành cho thái giám. Họ chỉ chuyên việc hầu hạ, sai khiến, không được tham dự việc triều chính, không được phẩm hàm quan chức. Ai vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha…
Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, vào giai đoạn đầu triều nhà Nguyễn, mỗi triều đại thường có khoảng 200 thái giám. Con số này tùy thuộc vào sự hưng thịnh của từng triều vua. Thời vua Khải Định, công việc của thái giám có phần bận rộn bởi ông vua này mang tiếng “bất lực”, vua thường giao cho các thái giám chăm sóc 12 bà vợ của mình.
Khi vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, chính thức lên ngôi, việc tuyển thái giám không còn nữa. Các thái giám được tuyển từ những đời vua trước đó sống ở trong cung chỉ lo việc quét dọn sân vườn, chơi cây cảnh chứ không phải lo việc “chăn gối” cho vua.
Khi về già hoặc đau ốm, các thái giám không được ở trong nội cung. Hết thời gian phục vụ, họ nhận lương của triều đình và chuyển ra ngoài hoàng thành, cư trú tại một căn nhà gọi là Cung giám viện. Để chống chọi lại sự cô quạnh, nhiều thái giám đã kết nghĩa anh em hoặc nhận con nuôi. Số khác chọn cách lấy vợ, do mất khả năng sinh con, họ lấy phụ nữ già để bầu bạn những tháng ngày cuối đời. Số ít thái giám may mắn hơn thì về quê sống với họ hàng.
Hàng năm, chùa Từ Hiếu tổ chức ngảy giỗ chung cho các vị thái giám trong nghĩa trang vào rằm tháng 11, còn hầu như nghĩa trang không có người qua lại, thăm nom các ngôi mộ. Thỉnh thoảng, cũng có một hai người nhà của các thái giám tới thăm mộ, thắp hương, nhưng họ thoắt đến thoắt đi, nhanh chóng mất hút vào rừng thông xanh cao vút bên nghĩa trang. Dường như, họ không muốn ai níu họ lại, biết họ có quan hệ gì với người nằm dưới mộ phần hay ai đó vô tình hỏi han về kiếp người sinh ra không được mấy người chấp nhận ấy.
Những du khách khi đến thành phố Huế thường kết hợp ghé thăm viếng chùa, trong khuôn viên chùa ngoài khu nghĩa trang thái giám vắng vẻ, u tịch thì những khoảng không gian khác lại mang một sắc thái yên bình, đẹp mê hồn như : đồi thông xanh ngắt, những cây lộc vừng hàng trăm bông nở hoa rủ xuống mặt hồ, hoa rụng đỏ mặt nước hồ bán nguyệt, ngắm chính điện chùa mang sắc nét cổ xưa, dịu dàng trầm lắng.
Và cũng tiện thể, du khách thường thắp một nén hương cho những con người đã sống với những thăng trầm của lịch sử phong kiến nhà Nguyễn an nghỉ trong Nghĩa trang thái giám trong chùa, xua tan chút u tịch, hiu quạnh, thêm vào đó một chút ấm áp, một chút tình người…
Theo dulichgiai tridongduong