Dự kiến sắp tới, luồng vốn lớn từ Thái Lan đổ vào lĩnh vực bán lẻ, từ Nhật đổ vào cơ sở hạ tầng sẽ xảy ra…
Riêng năm 2014, giá trị các thương vụ mua, bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) (DN) tại Việt Nam đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Trong giai đoạn 2014-2018, thị trường M&A Việt Nam sẽ có dòng vốn “khủng” chảy vào với tổng giá trị được dự báo lên đến 20 tỷ USD.
Các chuyên gia lẫn DN cho biết như trên tại diễn đàn M&A với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” do Bộ KH&ĐT, báo Đầu Tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức chiều 6/8 tại TP HCM.
Bùng nổ thương vụ mua bán triệu đô
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu M&A Việt Nam (MAF), đi đầu các thương vụ M&A trong năm 2014-2015 là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị các thương vụ M&A. Điều này thể hiện xu hướng các DN bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.
Các thương vụ đáng chú ý trong lĩnh vực này là Vingroup mua lại Ocean Mart để phát triển thành VinMart, thương vụ dự định mua lại Metro của tập đoàn Thái Lan và gần đây nhất là Aeon của Nhật đầu tư vào Citimart, Fivimart.
Lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng chiếm 21% tổng giá trị. Điển hình trong lĩnh vực này là việc tập đoàn thực phẩm đến từ Mỹ – Mondelèz International mua hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo của Kinh Đô với giá trị thương vụ được công bố khoảng 370 triệu USD.
Theo dự báo là ngành bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Vimmart. |
Đáng chú ý là liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, số lượng các DN đến từ Thái Lan hiện diện tại Việt Nam ngày càng tăng với nhiều dự án được đầu tư và tiếp tục mở rộng các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, hóa dầu, công nghiệp thực phẩm và năng lượng. Thương vụ được nhắc đến nhiều nhất (dù chưa hoàn tất) là Công ty Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thực hiện mua lại Metro với giá 879 triệu USD.
“Đây là cơ hội để hàng hóa nước ngoài gia tăng sự có mặt tại thị trường Việt Nam, nhất là khi hàng nhập khẩu được hậu thuẫn bởi các kênh phân phối có ông chủ là người nước ngoài”, một chuyên gia bình luận.
Ngoài ra, một thương vụ nữa cũng được quan tâm là trường hợp Power Buy, một công ty kinh doanh chuỗi điện máy hàng đầu Thái Lan (thuộc Tập đoàn Central Group) mua lại cổ phần của Nguyễn Kim – đơn vị đang sở hữu một chuỗi trung tâm kinh doanh điện máy lớn trong nước.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, đà phục hồi từ cuối năm 2014 kéo thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 khởi sắc với những tín hiệu tích cực và được nhận định là đang bước vào thời kỳ phát triển mới. “Nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính vẫn là động lực lớn cho thị trường M&A BĐS” – ông Minh nhận định.
Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động M&A và đầu tư phát triển BĐS có thể kể đến trường hợp của Lotte, N.H.O (Hàn Quốc), Creed Group (Nhật) và Gaw Capital (Hong Kong), Gamuda Land (Malaysia). Như Công ty N.H.O đã công bố đầu tư 1 tỷ USD để mua lại và phát triển 14 dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP HCM và An Giang.
Cưỡi trên sóng M&A
“Sắp tới chúng ta sẽ cưỡi trên đợt sóng M&A mà hoạt động bán lẻ, tiêu dùng sẽ sôi động hơn cả” – ông Masataka “Sam” Yoshida, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, nhận định.
Theo ông Yoshida, nhà đầu tư Thái, Nhật sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam ở hai lĩnh vực trên. “Niềm tin của nhà đầu tư hồi phục là một phần, còn người tiêu dùng là chìa khóa thúc đẩy các hoạt động M&A. Như Aeon mua lại hai chuỗi siêu thị tại Việt Nam là Citimart và Fivimart. Nửa đầu năm nay lượng giao dịch M&A của DN Nhật tại Việt Nam đã là 15 giao dịch, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên 30 giao dịch, gấp đôi năm ngoái”, ông Yoshida dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết: “M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Điều này xuất phát từ các chuyển động chính sách gần đây của Việt Nam. Chẳng hạn như Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7; Chính phủ ban hành Nghị định 60 cho phép nới room đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối DN tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều DN lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững. “Một yếu tố khác đang thúc đẩy hoạt động M&A là chương trình cổ phần hóa DN nhà nước của Chính phủ”, ông Đông phân tích.
Việt Nam xếp hạng 20 toàn cầu về M&A
Năm 2015, Việt Nam đã có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động M&A toàn cầu khi vươn lên xếp vị trí thứ 20. Trong khi đó, năm ngoái Việt Nam chỉ xếp thứ 24 trong vị trí toàn cầu.
219 thương vụ M&A đã được công bố gần đây có sự tham gia của các DN Việt Nam. Ví dụ, Vinamilk tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Miraka, một nhà sản xuất sữa khô có trụ sở tại New Zealand. Tập đoàn FPT mua lại RWE IT hoạt động tại Slovakia.
Tại những quốc gia như Lào, Campuchia, các DN Việt cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A. Ví dụ, năm 2014, Tập đoàn Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện Việt Nam có xu hướng dành nhiều sự quan tâm tới công ty bên Lào khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty bảo hiểm Lane Xang Assurance Public từ 40% đến 50%.
GS-TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập,Mua lại và Liên kết (IMAA)
Khi các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các trung tâm thương mại, cao ốc và dự án BĐS lớn thì các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Hưng Thịnh, FLC… cũng thực hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS.
Theo Pháp Luật TP HCM