Chàng đến du lịch Sài Gòn! Ngạc nhiên chưa, cả đám đông hâm mộ ào ra đón. Trên các trang facebook cá nhân tràn ngập thông tin về chàng. Người ta lập cả một hội những người yêu thích bún đậu mắm tôm, người ta nói về chàng mỗi ngày, người ta bảo gặp chàng một lần mà nhớ mãi không quên.
Nhà quê lên phố
Một năm trở lại đây, hiếm có cuộc di cư ẩm thực từ Bắc vào Nam nào lại ồn ào và hoành tráng được như cái món trà chanh chém gió và bún đậu mắm tôm. Sự nổi tiếng của trà chanh không có gì lạ. Nó là gương mặt mới toanh đối với cư dân cả hai miền, lạ lẫm nên gây xôn xao vì rằng ai cũng ham của lạ. Bún đậu mắm tôm thì khác! Đó là chàng nông dân sống củ mì cù mì trong một góc làng từ lâu lắm. Chàng thầm lặng, ít lời, dân dã, quê kiểng. Thỉnh thoảng, chàng cũng ló mặt ở những nơi sang trọng của Hà Thành, nhưng đa số thời gian chàng dùng để lang thang trên những vỉa hè, góc phố. Người ta “gặp chàng” vào bất cứ lúc nào cũng được, hoặc sáng, hoặc trưa, hoặc tối, hoặc khi họ cần một thứ gì để xua đi cái nhạt nhẽo trong đầu lưỡi đã thừa mứa đồ ngon. Người ta thích chàng ở cái tính hiền lành, ôn hòa và bao dung nhưng không thấy chàng đặc biệt. Thế mà, chàng hai lúa bỗng dưng nổi tiếng.
Chàng đến du lịch Sài Gòn! Ngạc nhiên chưa, cả đám đông hâm mộ ào ra đón. Trên các trang facebook cá nhân tràn ngập thông tin về chàng. Người ta lập cả một hội những người yêu thích bún đậu mắm tôm, người ta nói về chàng mỗi ngày, người ta bảo gặp chàng một lần mà nhớ mãi không quên. Mà fan hâm mộ của chàng thì có một phân khúc cực kỳ rộng rãi. Già, trẻ, gái, trai, phụ nữ, đàn ông, nam thanh, nữ tú… tất cả đều thích chàng. Báo chí cũng dành cho chàng những lời trân trọng. Wiki tiếng Việt cũng phải dành cho chàng riêng một danh mục. Phim ảnh cũng lấp ló bóng chàng. Thậm chí, cả những nhà phân tích kinh tế cũng phải nhìn thị trường qua góc nhìn bún đậu, mắm tôm. Ở Sài Gòn, chàng nói lớn tiếng hơn một chút. Ai bảo, chàng được nhiều ngôi sao mời mọc quá. Trong một năm, không biết có bao gương mặt nổi tiếng của làng “sâu bít” Việt mở quán vì chàng hay tỉ tê tâm sự về tình yêu với chàng. Người ta thấy chàng ở những chỗ sang hơn, trong cả những siêu thị lớn và người ta cũng phải thấy chàng đắt giá hơn trước rất nhiều. Chàng quả là một hiện tượng khó hiểu!
Thế nhưng, bún đậu mắm tôm không hề thay đổi. Nhìn thấy chàng, người ta vẫn thấy nguyên một gã trai quê, thấy thúng thấy mẹt, thấy lá chuối xanh, thấy rau húng, tía tô, kinh giới. Chàng vẫn chua chua vị chanh và dậy mùi mắm tôm cố cựu. Thế thì, chàng ngon ở đâu? Sức hấp dẫn của chàng đang ẩn núp ở chỗ nào trong những phong vị đã thân thương với người Việt từ xưa cũ. Có lẽ, bún đậu ngon ở… bún. Tuy nhà quê, nhưng chàng có sự tinh tế và khó tính riêng. Bún chàng chọn, trắng ngó trắng ngần, dẻo mịn, sợi bún không bao giờ quá to để bị gọi là thô thiển. Chàng lại nhất định phải chọn bún lá để xắt thành từng miếng xinh xinh vừa một gắp, sau khi cuốn quýt với mắm tôm, chả cốm, thịt heo và rau sống thì đi thẳng vào miền vị giác với cái lành lạnh dễ thương và hương vị mặn mà.
Bún đậu mắm tôm ngon ở đâu?
Có lẽ, bún đậu ngon ở… đậu. Đậu hũ đứng một mình cũng đã có sức hút riêng nên khi kết bạn cùng bún liền trở thành bộ đôi sức mạnh. Trên bếp lửa đang nồng, từng miếng đậu hũ mềm mịn, trắng muốt nhẹ nhàng lướt qua lửa bỏng dầu sôi để vàng óng lên, thơm giòn thơm giã. Miếng đậu hũ nóng hôi hổi đưa đến miệng, đủ sức làm ngon tuột lưỡi người ăn. Giòn một cách vừa phải, thơm một cách đúng mực, bùi một cách thanh tao và vàng một cách lịch lãm. Đậu hũ, rồi chả cốm cứ vàng ruộm lên bên miếng bún lá trắng mịn, đẹp mắt lại thanh tao, ai bảo chân quê không đẹp?!
Có lẽ, bún đậu ngon ở… thịt heo. Miếng thịt chọn đi cùng bún và đậu cũng lại có chuẩn mực riêng nữa. Chàng bún đậu chỉ ưng thịt ba chỉ, miếng thịt béo mà không ngấy, thái mỏng tang để thêm cho chàng bún, anh đậu một chút ngọt ngào. Bởi bún ôn hòa lành lạnh, bởi đậu nóng bỏng nhiệt tình nên thịt ba chỉ giữa thái độ trung hòa, âm ấm, ngọt ngọt, bùi bùi. Thịt ba chỉ cũng ngon hơn cả khi vừa chín tới, còn hơi hơi bốc khói đã được những bác bếp lành nghề loang loáng tay dao tay thớt, vun vút biến hóa để hình thể mỏng manh hơn nhưng cũng ngon mắt hơn. Cá tính thịt ba chỉ không nồng nhiệt, mới nóng bỏng đó đã lạnh lùng ngay, nhưng vì tốt tính nên khi đã “mất nhiệt” vẫn còn đáng yêu lắm, dù rằng sẽ yêu hơn khi còn nồng ấm, nhiệt tình.
Đến mắm tôm thì có chuyện! Đây là nhân tố nguy hiểm, có khả năng làm chao đảo tình cảm của người hâm mộ. Không phải ai cũng thích mắm tôm, ghét mắm tôm thì coi như cũng phủ định luôn cả bún đậu. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà mắm tôm lại hợp duyên với tất cả những “anh chàng” kể trên. Nàng mắm tôm đi riêng với chàng nào cũng thấy xứng đôi vừa lứa. Nàng lại là người mặn mòi, có cá tính mạnh, đi đến đâu là người ta biết đến đó, thậm chí nàng đã đi mất hút rồi mà “hương thanh nữ” vẫn còn vướng vít rất chi là lâu. “Con gái” Bắc Kỳ mà có cá tính mạnh như thế thì dễ có người yêu, kẻ ghét. Ai yêu nàng thì yêu tha yêu thiết, yêu ràng yêu buộc, yêu say yêu mê đến trọn đời. Ai mà ghét nàng thì cũng ghét đau ghét đớn, thấy nàng là bịt mũi xua tay, thậm chí muốn ói thẳng vào mặt nàng. Mặc kệ những kẻ ghét nàng nói sao thì nói, đôi mắt người đang yêu chỉ thấy nàng duyên dáng, đậm đà và phải nhận rằng nàng đi với bún, đậu, thịt heo thì hợp hòa không biết để đâu cho hết. Dễ thường, sự đồng hành của nàng với ba chàng đã tạo nên sức mạnh của “bộ tứ siêu đẳng”, một tập hợp gồm bốn vẻ chân quê nhưng có sức quyến rũ của cái duyên thấm thía.
Cũng có lẽ, bún đậu mắm tôm còn ngon ở rau húng, tía tô, kinh giới. Cũng giống như trên một chiếu chèo xứ Bắc, khi bún, đậu, thịt heo và mắm tôm cứ đóng vai kép, vai đào thì chú húng, ngổ, tía tô (gọi chung là rau sống) chỉ giữ một chân hề, thỉnh thoảng xướng “tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ”. Ấy vậy mà, vở chèo nào lại không có chú hề, bộ phim nào không có nhân vật phụ của phụ. Thiếu chú hề, chiếu chèo nhạt nhẽo đi nhiều lắm, thiếu nhân vật phụ làm nền, diễn viên chính sẽ thấy bơ vơ. Vì thế, rau sống đi cạnh bún đậu, mắm tôm để cái vị cay nồng của thứ rau quê làm đậm đà hơn cho những chân chất quê mùa mà thanh tao khác. Bởi thế mà từ Bắc tới Nam, người ta mới thích, mới yêu.
Trước bún đậu, đã có bao nhiêu “hiện tượng ẩm thực” mau nổi, chóng chìm làm gương tày liếp. Chỉ có điều, những kẻ nhà quê đến chốn thị thành vẫn không thay đổi chất này hẳn sẽ có một số phận khác. Ngày nào đó, khi ánh hào hoa của sự lăng xê thái quá này biến mất, họ sẽ trở về nếp sống thầm lặng, vẫn quê kiểng dân dã, vẫn được yêu, được nhớ trong yên bình như đã thế tự trăm năm.
Nguyễn Phương