Những ai trông chờ một bộ phim khắc họa hình ảnh của những thành phố miền núi Tây Nguyên thì chắc chắn Thạch Thảo sẽ làm cho khán giả thích thú và mãn nhãn với những thông tin và hình ảnh về núi rừng Tây Nguyên trên màn ảnh rộng.
Thạch Thảo là một bộ phim học đường, kể về câu chuyện tình yêu giữa một chàng trai tên Thạch và một cô gái tên Thảo. Thạch (ca sĩ Tùng Maru) là cậu học trò rất hoạt bát mới chuyển từ thành thị về Kon Tum cùng với anh trai của mình, thầy Thiết (ca sĩ Khắc Minh). Ở trường học mới, Thạch làm quen với nhiều bạn học, và có cảm tình với Thảo, cô bạn học xinh đẹp cùng lớp có tính cách khá kì lạ. Thạch đã giúp Thảo nhận ra được những giá trị tình bạn chân thành ở quanh mình từ đó giúp Thảo lạc quan hơn trong cuộc sống.
Thảo (diễn viên Bích Ngọc) là một cô học trò sống cùng gia đình ở Kon Tum. Thảo cô lập, ít nói, ít giao tiếp với bạn bè cùng lớp.Thảo sở hữu gương mặt thanh tú xinh đẹp, nhưng ở cô gái này luôn ẩn chứa nhiều tâm sự. Qua tình bạn của Thạch, Rok và Kiên, Thảo dần nhận ra được sự quan tâm của mọi người đối với mình và thay đổi thái độ sống, cởi mở hơn với mọi người xung quanh.
Bên cạnh câu chuyện thanh xuân đầy đáng yêu của các học sinh của lớp học 11A3, đạo diễn Mai Thế Hiệp đã khéo léo giới thiệu đầy đủ những danh lam, thắng cảnh, địa danh nổi tiếng của tỉnh Kon Tum, như: Cầu treo Kon Klor – nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla huyền thoại; Ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hàng thế kỷ, mang nhiều nét cổ kính của người đồng bào Ba Na; rừng nguyên sinh Măng Đen được bao phủ bởi những đồi thông xanh ngút ngàn; hay ngọn thác Pa Sỹ nguyên sơ và bình dị đã từng được ví như là “nàng tiên cổ tích” giữa núi rừng Tây Nguyên xanh thẳm.
Ngoài ra, văn hóa Tây Nguyên cũng được anh khắc họa rõ nét, đan xen vào câu chuyện của phim, như: một đám tang đang diễn ra trên đường với tiếng cồng chiên đặc trưng của miền núi; hình ảnh một người già làng (NS Tấn Thi) chất phác, đôn hậu; cách đặt tên nhân vật, như: A Rok, A Rak, Y Noa… Theo quy ước của người miền núi, chữ A sẽ dành cho con trai, và chữ Y sẽ dành để đặt tên cho người con gái. Tuy nhiên, sau này, những người đồng bào Bana vì quá mê phim Hàn Quốc và bóng đá, nên họ cũng đã đặt tên con mình theo tên các nghệ sĩ trong phim. Chính vì lẽ đó, trong phim Thạch Thảo, có xuất 2 bé nhỏ với tên gọi Malouda, Kim Tae Hee.
Những món ăn dân dã giàu bản sắc cũng được đạo diễn Mai Thế lồng ghép một cách tinh tế và hợp lý. Đó là món canh cà đắng mà cô giáo Mi Ngor đã nấu tặng cho anh em Thiết – Thạch. Chỉ với ngày đầu tiên gặp mặt, cô giáo Mi Ngor đã dùng chính món ăn địa phương để chiếm lấy tình cảm người con trai mà mình yêu mến, và có lẽ, cũng chính món ăn này đã khiến cho thầy Thiết, một người đã quá quen thuộc những món fastfood chốn Sài thành, đã động lòng trước tấm chân tình của người con gái miền núi? Hay như trong lúc nguy kịch nhất với chiếc dạ dày trống rỗng, khi Thạch và Thảo bị bắt nhốt suốt một ngày trong chốn rừng sâu, thì chính A Rok đã liều mình tiếp tế bằng món cơm lam, muối é – một món ăn đậm chất Tây Nguyên, để cứu đói các bạn của mình.
Chính sự lồng ghép tinh tế này đã khiến cho món ăn Tây Nguyên không chỉ là một món ăn được thưởng thức bằng vị giác, mà nó còn được cảm nhận bằng chính tình cảm của người đã dành tặng món ăn đó cho mình.
Phim điện ảnh Thạch Thảo được bấm máy tại tỉnh Kon Tum, phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư theo đề nghị của Cục Điện ảnh, khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào ngày 16/11/2018, phim do Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Giải Trí Galaxy, Fortune Projects, HKFilm và Pixel Garden cùng hợp tác sản xuất.
Trung Tín/Lifestyle