Tập 6 Kỳ Tài Lộ Diện, sư phụ Kao Long khiến khán giả kinh ngạc với màn biểu diễn thị phạm bấm xuyên lưỡi bằng máy bấm đinh ghim loại lớn. Đây là thử thách cao nhất đối với người diễn xiếc công phu bởi lưỡi là nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể con người.
Không chỉ là giám khảo chuyên môn chính của chương trình, sư phụ Kao Long còn là Cố vấn chuyên môn của chương trình Kỳ Tài Lộ Diện. Theo anh, xiếc – công năng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của các thí sinh, chính vì vậy mà ngay từ khâu sơ tuyển (casting), anh và BTC đã chọn lọc rất kỹ và đảm bảo các thí sinh bước vào cuộc thi đều là những người chuyên nghiệp, có nhiều năm tập luyện. Ngay cả những thí sinh trẻ như Trịnh Thắng (1991), Thanh Hoa (1990) cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ, tất cả các tiết mục trước khi biểu diễn đều phải được thông qua chương trình, ban cố vấn chuyên môn và đều phải diễn trước trong ngày tổng duyệt. Các đạo cụ, thiết bị đều được tổ chuyên môn kiểm tra kỹ lưỡng, phải đảm bảo trên 100% độ an toàn thì BTC mới đồng ý cho thí sinh biểu diễn. Và trong lúc biểu diễn, nếu thí sinh không đảm bảo đủ sức khỏe, sự chuẩn bị tốt nhất để hoàn thành tiết mục, BTC và giám khảo sẽ cho dừng phần thi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh.
Theo sư phụ Kao Long, tất cả những màn biểu diễn của nghệ sĩ xiếc công năng đều là thật và họ đã mất rất nhiều năm để khổ luyện, vượt qua những đau đớn về thể xác trước khi mang ra trình diễn. Mọi vị trí trên cơ thể đều có thể biểu diễn được nếu được tập luyện. Để minh chứng cho điều mình nói, ngay trong tập 6 của chương trình Kỳ Tài Lộ Diện, sư phụ Kao Long đã biểu diễn thị phạm cho khán giả màn bấm xuyên lưỡi bằng máy bấm đinh ghim loại lớn. Đây là thử thách cao nhất đối với người diễn xiếc công phu bởi lưỡi là nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể con người. Sư phụ Kao Long để 1 mảnh ván dưới lưỡi rồi dùng máy bấm ghim xuyên qua lưỡi và cả mảnh ván.
Màn thị phạm của sư phụ Kao Long đã khiến khán giả tại trường quay và 2 giám khảo Vân Sơn, Kiều Oanh vô cùng hồi hộp và lo lắng. Chưa hết, ngay sau đó, anh dùng tay kéo dứt khoát miếng ván ra khỏi lưỡi và nhờ nghệ sĩ Vân Sơn gỡ chiếc ghim đang còn dính ở lưỡi nhưng Vân Sơn cứ loay hoay không gỡ được vì nó dính quá chặt. Cuối cùng, sư phụ Kao Long chỉ dùng 1 động tác nhẹ nhàng gỡ chiếc ghim ra khỏi lưỡi. Với tiết mục biểu diễn này, khán giả đã được “tận mục sở thị” công năng và bản lĩnh của sư phụ Kao Long – giám khảo, cố vấn chuyên môn của Kỳ Tài Lộ Diện, bậc thầy về xiếc tạp kỹ tại Việt Nam.
Riêng 2 nghệ sĩ Vân Sơn và Kiều Oanh, sau khi chứng kiến khả năng phi thường và màn biểu diễn của sư phụ Kao Long đã vô cùng ấn tượng và có phần…khiếp sợ. Cả hai đã khoanh tay xin lỗi Kao Long vì lâu nay khi ngồi chung hàng ghế giám khảo đã có đôi lúc đùa hơi quá lố, nhất là nữ danh hài Kiều Oanh bởi chị đã không ít lần “lấn lướt” vị sư phụ rất lành tính này. Kiều Oanh tuyên bố “Em yêu anh” với nghệ sĩ Kao Long và tôn anh làm thần tượng của mình.
Nghệ sĩ Kao Long sinh năm 1962 tại TP.HCM. Trước năm 1975, Kao Long có may mắn được theo gia đình đi đến những bar club xem người nước ngoài trình diễn ảo thuật, từ đó anh đam mê ảo thuật và tự tìm tòi học hỏi vì thời điểm bấy giờ tại Việt Nam chưa có trường dạy ảo thuật. Chỉ mới 11 tuổi, Kao Long đã bước lên sân khấu trình diễn. Để có tiền mua các dụng cụ ảo thuật đắt tiền, anh đã dành dụm từng đồng từ tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt mà cha mẹ cho, để dành trong thời gian dài mới mua được 1 món. Năm 1977, khi mới 15 tuổi, Kao Long về công tác tại Nhà thiếu nhi TP.HCM, hướng dẫn các em thiếu nhi học ảo thuật và bản thân biểu diễn nhiều tiết mục ảo thuật tại đây. Sau khi dạy cho các em nhỏ, anh muốn phát triển nghề nghiệp của mình nên đã quyết định đi theo những đoàn hát như đoàn văn công Đồng Tháp, đoàn Tiếng ca Sông Hậu – Hậu Giang, đoàn văn công Sông Bé cũ… đến với vùng sâu vùng xa biểu diễn cho bà con. Tuy bản thân trưởng thành trong nghề từ những kinh nghiệm thực tế trên sân khấu nhưng đồng lương của anh thời điểm đó rất thấp. Anh quyết định quay trở về TP.HCM gia nhập đoàn xiếc Tuổi Trẻ (Nhà hát Phương Nam ngày nay) và trở thành người biểu diễn ảo thuật chính của đoàn. Do đặc trưng của đoàn xiếc là nhà bạt và sân khấu tròn rộng nên anh sử dụng các đạo cụ ảo thuật kích thước lớn cho phù hợp.
Sau một thời gian biểu diễn ảo thuật, trong một lần các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp với Đoàn xiếc Tuổi Trẻ làm chung chương trình, trong đó có tiết mục xiếc khỉ, Kao Long đã bị thu hút với bộ môn mới này bởi anh rất thích tìm tòi những cái mới. Kao Long cho biết: “Ban đầu, tôi không biết gì về xiếc khỉ, tôi cứ quan sát ban đêm diễn viên diễn cùng chú khỉ, ban ngày họ cùng khỉ tập luyện. Tôi không bắt chước mà việc đầu tiên của tôi là mua sách sinh vật về nghiên cứu đời sống, tập tính của khỉ như thế nào… tìm hiểu tất cả về đặc tính sinh học của thú muốn huấn luyện. Rồi sau đó tôi mới đầu tư mua khỉ về tập luyện theo phương pháp của mình dựa trên các đặc tính simh học đã nghiên cứu”. Để tập luyện được 2 tiết mục là khỉ ngồi bắt chân chữ ngũ và “trồng cây chuối”, Kao Long đã kiên trì tập luyện cùng chú khỉ trong 1 năm. Tuy việc tự mày mò có phần chậm hơn nhưng Kao Long rất thích tự mình khám phá và thử thách bản thân. Sau khi làm được những tiết mục xiếc khỉ với những động tác đơn giản, anh rất hưng phấn và tiếp tục tìm tòi, tập luyện những động tác khó hơn, trong đó khó nhất là dạy khỉ đạp xe đạp 2 bánh nhưng cuối cùng anh cũng đã thành công. Lúc đó, cả miền Nam, chỉ có mình Kao Long làm xiếc thú.
Sau khi huấn luyện khỉ, Kao Long thử sức huấn luyện các loài thú khác. Thời điểm đó còn có thể mua được thú rừng, anh đã đi lên Đắk Lắk thuyết phục già làng đổi cho anh 2 con gấu để huấn luyện và anh đã làm thành công. Khi huấn luyện thú, đa phần người ta sử dụng phương pháp bạo lực là đánh thú hoặc huấn luyện bằng đường bao tử đó là cho thú ăn. Kao Long đã chọn phương pháp thứ 2. Anh nhận được rất nhiều hợp đồng, nhiều lời mời huấn luyện và dàn dựng xiếc thú cho nhiều đơn vị khắp cả nước như: hỗ trợ các chuyên gia người Đức huấn luyện 3 con voi cho Thảo Cầm Viên, dàn dựng xiếc thú cho công ty Sài Gòn Tourist, dàn dựng xiếc cá sấu với những pha trình diễn mạo hiểm ở Cần Giờ… Kao Long đã từng đầu tư dựng rạp trình diễn xiếc cá sấu trong Thảo Cầm Viên bên cạnh rạp của đoàn xiếc vẹt của Singapore. Nếu họ diễn 17 suất thì rạp của Kao Long diễn 27 suất, doanh thu trong 10 ngày thu về hơn 800 triệu. Sau dấu ấn thành công đó, anh dàn dựng xiếc cá sấu cho đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) thu hút rất đông khách. Ngoài ra, anh còn huấn luyện thú cho nhiều công viên, khu du dịch khác với hình thức “chuyển giao công nghệ”, huấn luyện xong rồi bàn giao cho đơn vị tiếp quản.
Sau nhiều năm làm xiếc thú, Kao Long tiếp tục quay lại với ảo thuật dùng đạo cụ lớn. Thời điểm đó có 1 chương trình trên truyền hình rất ăn khách ở Việt Nam là của ảo thuật gia nổi tiếng thế giới David Copperfield. Anh đã học hỏi được rất nhiều từ những màn trình diễn của nhà ảo thuật thành công nhất thế giới này. Thập niên 90, Kao Long là người đầu tiên ở TP.HCM làm lại những trò ảo thuật của David Copperfield và rất ăn khách.
Bên cạnh khai thác thị trường tại sân khấu xiếc với những tiết mục đồ lớn, Kao Long vẫn bền bỉ khai thác thị trường cho các tiết mục trò khéo nhỏ gọn ở các tụ điểm, sân khấu ca nhạc… Anh chia sẻ, ở thời của anh, đạo cụ của nhà ảo thuật ít hơn bây giờ, lại ít có cơ hội tiếp cận ảo thuật thế giới nhưng các ảo thuật gia vẫn tồn tại và làm được nhiều tiết mục. Còn bây giờ các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội, mua sắm các đạo cụ, học hỏi các kỹ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, mỗi thời có 1 lợi thế khác nhau, đặc biệt khi ảo thuật đường phố gia nhập vào Việt Nam thì các bạn trẻ hội nhập ngay, nhất là sinh viên. Bộ môn ảo thuật đường phố không cần tốn nhiều tiền, chủ yếu là kỹ năng, học hỏi, đi diễn và tương tác nhiều thì sẽ trưởng thành trong nghề. Anh cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ theo đuổi nghề xiếc công phu là cần phải có sự kiên nhẫn, tập luyện thật nhiều, sáng tạo nhiều động tác mới và quan trọng là rèn luyện đạo đức tinh thần con nhà võ vì đây là gốc của công phu. Là giám khảo chuyên môn của chương trình, Kao Long rất vui khi thí sinh tham gia Kỳ Tài Lộ Diện được đẩy lên cao hơn về chất lượng chuyên môn, khả năng biểu diễn cũng như có được clip trình diễn tiết mục rất đẹp mà nhiều thí sinh lần đầu tiên có được.
Bằng tài năng thiên bẩm, nỗ lực không ngừng nghỉ và sự sáng tạo, sau hơn 40 năm hoạt động trong nghề Xiếc công năng và huấn luyện Xiếc thú, hiện nghệ sĩ Kao Long đang là Chủ tịch Chi hội Xiếc – Ảo thuật, Hội sân khấu TP.HCM.
Tập 6 của chương trình Kỳ Tài Lộ Diện sẽ phát sóng vào lúc 21h thứ Sáu ngày 20/10/2017 trên kênh THVL1.
K.V/Lifestyle