70 bài thơ với cấu tứ tự do tập trung ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử và nhiều trăn trở của tác giả về thế thái nhân tình.
Tình nhật nguyệt là tác phẩm đầu tay của nhà thơ kiêm kỹ sư dầu khí Phạm Trường Giang. Anh vốn tốt nghiệp đai học Mỏ – Địa chất, yêu thơ nên thời gian rảnh là Trường Giang sáng tác. Đôi khi cảm hứng đến bất chợt, anh tranh thủ chép thơ lên bìa báo, bìa bao thuốc lá, hay bất cứ vật gì có sẵn trong tay để sau đó lưu vào máy tính như một kỷ niệm đẹp.
Tập thơ gồm 70 bài, được phát hàng bởi NXB Văn hóa văn nghệ tháng 2/2016. Nhà thơ sinh năm 1975 dành nhiều tình cảm cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình – Quảng Bình ở phần đầu tập thơ. Với anh, quê hương như một bà mẹ hiền, chở che, ôm ấp đứa con tha hương trong những phút giây chùng lòng vì mệt mỏi.
Giữa ánh sáng hào nhoáng thị thành, anh viết:
Mẹ ơi! Tuổi thơ vụng dại
Cũng có cái bất thường
Tình mẹ vượt đại dương
Mẹ rộng đường tha thứ
(Nụ cười mẹ yêu)
Trường Giang sinh ở miền Trung (Quảng Bình) nhưng gắn bó với miền Nam từ nhỏ. Vũng Tàu được anh coi là quê hương thứ hai, còn Sài Sòn anh cũng yêu không kém bởi đây là mảnh đất này được anh coi là nơi nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn mơ mộng của mình. Nhà thơ có nhiều câu “rút gan rút ruột” về Sài Gòn:
Chiều rực hoa nắng giữa Sài Gòn lộng gió
Anh đón em trên chiếc xe đạp cũ
Giỏ đầy hoa đỏ
Mừng reo đón em về
Thăm lại phố phường xưa…
(Chiều rực hoa nắng giữa Sài Gòn lộng gió)
Trong dòng cảm xúc dạt dào về tình yêu quê hương đất nước, tình mẫu tử, Trường Giang dành một phần không nhỏ để ca ngợi tình yêu đôi lứa. Nhân vật trong thơ anh mang tâm sự của một người đàn ông, một “gã khờ” ngơ ngác trước những cảm xúc thú vị, mới mẻ khi bước vào tình yêu. Với Trường Giang, thơ cũng là một người tình để anh nuôi mộng tưởng, để tỉ tê tâm sự những lúc cô đơn.
Tình thơ ơi!
Nàng hỡi!
Nơi ấy
Tình cháy bỏng
Xé
Toạc cả đêm đông
Hừng hực
Ngọn lửa đê mê
Đốt rụi cả màn đêm u tối
Niềm ngất ngây
Điên dại
Dẫn đôi tình đến cõi
Ái ân
Tột đỉnh
Lịm cả linh hồn”
(Tình đê mê)
Về mặt nghệ thuật, thơ Phạm Trường Giang không câu nệ cấu tứ. Anh để con chữ trôi theo cảm xúc, lúc dạt dào tuôi chảy như thác lũ, lúc ngập ngừng, e ấp như dòng nước chảy tới ngã ba sông, dừng lại đắn đo chọn bến nào để neo đậu. Độc giả Viết Đức khi đọc thơ Trường Giang đã viết.
“Thơ Trường Giang có một thứ ngôn ngữ bình dị nhưng lạ lẫm. Lạ lẫm từ cách gieo vần lẫn trong tứ thơ. Một thể thơ tự do chưa gặp nhưng hàm chứa bao hình ảnh chân thực, sâu lắng tự trong đáy lòng một con người bao dung nặng tình nặng nghĩa như anh. Đọc thơ Trường Giang ta tự hỏi anh nói gì trong thơ mà thảng thốt nửa chừng, rớt rơi ba chấm…”
Vân Anh/Lifestyle