Những ngày này, người trồng bí đỏ ở xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa bởi bí vừa rớt giá vừa không ai hỏi mua. Trên đường vào xã, chúng tôi chứng kiến bí chất thành đống ven đường. Ông Điểm Khắc Điền, một nông dân trồng bí có thâm niên ở thôn 3, xã Ninh Sơn cho biết, gia đình ông thu hoạch bí đã hơn 2 ngày nay nhưng chưa bán được.
Người trồng bí thẫn thờ vì giá bí quá rẻ |
Năm nay, người trồng bí thiệt hại nặng do năng suất thấp, chỉ đạt từ 3 – 4 tấn/ha, đồng thời giá rớt chỉ còn 500 – 1.500 đồng/kg, bằng 1/2 so với năm ngoái. Tùy theo diện tích canh tác, mức lỗ có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vụ bí này, ông Điền trồng gần 7ha, thu hơn 12 tấn, lỗ khoảng 60 triệu đồng. “Hầu hết người trồng bí đều vay vốn ngân hàng hoặc tạm ứng phân, thuốc tại các cửa hàng bảo vệ thực vật để đầu tư, đến vụ thu hoạch mới thanh toán. Tuy nhiên, năm nay do bí mất mùa, giá lại thấp nên nông dân đành khất nợ…”, ông Điền chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 2, Ninh Sơn đang rao bán rẫy để trả nợ và định đi làm thuê kiếm sống vì đã lỗ hàng trăm triệu đồng sau vụ bí năm nay.
Ông Đào Trung Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, xã có hơn 100 hộ trồng bí với diện tích 200ha. Năm nay, do thời tiết nắng hạn nên một số hộ trồng bí bị mất trắng. Hiện địa phương còn tồn 150 tấn bí, tương đương hơn 30ha chưa thu hoạch. Nguyên nhân khiến bí rớt giá là do thời điểm này các địa phương khác ở Tây Nguyên và phía nam cũng đang vào mùa thu hoạch.
Hiện nay, nhiều nông dân đã ngưng thu hoạch bí vì giá bán không đủ trả tiền công. Ông Phạm Ngọc Xuân, thôn 3, Ninh Sơn chia sẻ: “Giá thuê thu hoạch khoán 1.700 đồng/kg, thuê ngày công 220.000 – 250.000 đồng/người. Gia đình tôi năm nay trồng 3ha bí nhưng bỏ, không thu hoạch, vì nếu thu hoạch sẽ lỗ khoảng 50 triệu đồng”.
Ngoài xã Ninh Sơn, trên địa bàn xã Ninh Thân hiện cũng có 60 – 70ha trồng bí đỏ, sản lượng khoảng 180 – 200 tấn. Hiện nay mới tiêu thụ được khoảng 150 tấn với giá từ 1.000 – 1.300 đồng/kg. Xã Ninh Xuân trồng ít hơn, khoảng 20ha, chủ yếu do người dân từ Ninh Thân sang xâm canh.
Theo ông Nguyễn Tiến – Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn có hàng trăm héc-ta trồng bí đỏ, chủ yếu tập trung ở các xã Ninh Sơn, Ninh Thân, Ninh Xuân… “Việc giải quyết lượng bí tồn đọng gặp nhiều khó khăn. Hiện thị xã đang nắm bắt tình hình sản xuất và thị trường để có hướng hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, vấn đề thị trường rất nan giải bởi trước đây đã có trường hợp nông dân ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhưng khi hàng dội chợ, doanh nghiệp lại ngoảnh mặt làm ngơ…”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, việc người dân trồng tự phát các loại nông sản rất khó kiểm soát, nhất là khi thông tin thị trường chưa có sự liên thông, đồng bộ, cơ quan chuyên môn cũng không rõ các vùng khác sản xuất bao nhiêu diện tích và thị trường sẽ tiêu thụ bao nhiêu để khuyến cáo nông dân. Vì thế, trước khi trồng loại cây gì người dân cần xem xét kỹ, không chạy theo cơn sốt thị trường để bị thua lỗ.
Mùa bí năm ngoái, tình trạng bí không tiêu thụ được đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng năm nay nông dân vẫn tiếp tục trồng nhiều. Hy vọng, qua vụ bí lần này, người nông dân sẽ tỉnh táo hơn trước khi đầu tư sản xuất để không còn rơi vào tình trạng mất mùa, rớt giá.
Theo Khánh Hòa