Thất bại trong những thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) ngày nay không hiếm gặp và xu hướng chia tách đang xảy ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Khi di động và điện toán đám mây trở thành trào lưu, các hãng công nghệ lớn phải tiến hành chia tách để tập trung, tái định vị đáp ứng thách thức từ xu hướng này.
Giữa tháng 7 này, hãng thanh toán điện tử hàng đầu thế giới PayPal đã tuyên bố tách khỏi eBay – gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ. Trên trang web của mình, PayPal vừa chính thức tuyên bố “eBay và PayPal là hai công ty độc lập”, song khẳng định những chính sách dành cho khách hàng vẫn không thay đổi.
“Các vụ ly hôn thường tốn kém hơn cưới hỏi, thủ tục chia tách doanh nghiệp cũng phức tạp hơn nhiều so với sáp nhập”, chuyên gia Marco Sguazzin của Deloitte nhận định.
PayPal từng là cỗ máy tăng trưởng của eBay. Ảnh: RT |
Khi hai doanh nghiệp sáp nhập, họ có thể quyết định rất nhiều chính sách sau khi thỏa thuận được ký kết. Song, khi hai hãng chia tách, tất cả mọi vấn đề cần phải giải quyết trước thời điểm quyết định: làm sao phân chia tài sản, lương trả cho nhân viên ra sao, hệ thống thông tin vốn được tích hợp chặt chẽ nay sẽ tách ra như thế nào, và nhiều vấn đề khác nữa.
Kết quả là, những vụ việc đại loại thế này thường kéo dài, mệt mỏi, tốn nguồn lực và chi phí. Trong trường hợp của eBay và PayPal, vấn đề về lãnh đạo được quyết định đầu tiên. Devin Wenig, vốn làm Giám đốc điều hành eBay sẽ giữ nguyên chức vụ, còn Dan Schulman, người gia nhập eBay từ American Express năm 2014 sẽ lãnh đạo PayPal.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính không công bằng và đơn giản như thế. Năm 2002, EBay bỏ ra 1,5 tỷ USD mua lại PayPal, nhưng nay hãng thanh toán điện tử này đã lớn mạnh hơn nhiều. Các chuyên gia phân tích tính toán giá trị của PayPal đang rơi vào khoảng 45 tỷ USD trong đó eBay nắm giữ 30 tỷ USD.
Mối quan hệ lâu dài hơn một thập niên khiến hai công ty này không thể dễ dàng nhanh chóng đạt được mong muốn. Trong vòng 5 năm tới, 80% những giao dịch trên eBay vẫn phải thực hiện qua cổng PayPal, không thay đổi đáng kể so với trước khi chia tách.
Đến nay, sự liên kết quá chặt chẽ này cũng khiến PayPal gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng trở thành đối tác của những hãng thương mại điện tử vốn là đối thủ của công ty mẹ.
Khi công nghệ và thị trường vận động nhanh hơn, doanh nghiệp phải chuyên môn hóa hơn, nhà đầu tư tỏ ra càng hào hứng hơn với xu hướng chia tách. Sức ép từ cổ đông, cộng với áp lực từ những đối thủ cạnh tranh như Apple Pay và Stripe buộc PayPal phải mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu trở thành “hệ thống thanh toán tiêu chuẩn Thụy Sĩ”, James Wester thuộc hãng nghiên cứu thị trường IDC miêu tả.
Để hiện thực hóa tham vọng này, gần đây, PayPal – với 165 triệu thành viên hoạt động và 235 tỷ USD giao dịch hàng năm – đã tích cực tham gia vào cuộc chiến M&A. Nhằm sở hữu dịch vụ chuyển tiền kiều hối từ Mỹ sang các nước đang phát triển, hãng đã bỏ ra gần 900 triệu USD mua lại Xoom vào hồi đầu tháng này. Để trở thành nhà cung cấp dịch vụ ví tiền điện tử, hãng thâu tóm Paydiant vào tháng 4 vừa rồi.
Trước đó cuối năm 2013, Paypal cũng chi 800 triệu USD mua lại Braintree, và Venmo, hai hãng cung cấp dịch vụ chuyển tiền giữa các thiết bị di động. Nhiều thương vụ M&A được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, tuy nhiên quỹ dành cho hoạt động này của PayPal chỉ còn lại 6 tỷ USD sau khi tách khỏi eBay.
Đối với eBay – cùng 155 triệu thành viên đang hoạt động và 83 tỷ USD giao dịch hàng năm, con đường phía trước tỏ ra khá mờ mịt. Một mặt eBay sẽ chịu ít khoản lỗ hơn, song doanh thu cuối năm này được dự đoán sẽ không tăng khi không còn cỗ máy tăng trưởng vốn giúp hãng này thống trị thế giới công nghệ như trước.
Mặc dù 80% hàng hóa trên eBay được bán với giá cố định, song website vẫn được định vị là một trang đấu giá. Việc trở thành một chợ trực tuyến nơi nhiều người trưng bày sản phẩm giúp eBay phần nào trang trải được chi phí đắt đỏ đầu tư vào kho bãi và vận chuyển, song việc mất đi Paypal khiến eBay khó lòng đáp ứng được nhu cầu thanh toán, giao nhận nhanh.
Thanh toán trực tiếp qua di động thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới. Ảnh: New York Times |
“Sẽ không ngạc nhiên khì nếu giá cổ phiếu của eBay sẽ thấp hơn PayPal do những công ty mẹ thường chịu tổn thất nhiều hơn khi mất đi “đứa con” của mình”, Tom Kirchmeier thuộc Trường kinh tế London nhận định. Tuy vậy, giá cổ phần của eBay có thể sẽ tăng lên do nhà đầu tư tin tưởng việc nhỏ hơn và tập trung hơn có thể khiến hãng trở thành đối tượng săn đuổi của những gã khổng lồ khác.
Amazon, Google và Microsoft là những ứng cử viên tiềm năng, song Alibaba (202 tỷ USD) đang rục rịch nhảy vào thị trường Mỹ, mới là đại diện sáng giá nhất.
Một số khác cho rằng PayPal sẽ có thể rơi vào tay của Alibaba và một số ngân hàng, song với giá trị quá lớn, hãng không dễ bị thâu tóm một cách dễ dàng.
Nếu dàn xếp ổn thỏa, eBay và PayPal có thể mở ra xu hướng phân tách cho nhiều hãng công nghệ khác noi theo. Trong quý III, Yahoo có thể sẽ tách riêng 15% cổ phần sở hữu của Alibaba và bán luôn chi nhánh Yahoo tại Nhật Bản. Tháng 11 cuối năm, tập đoàn HP sẽ tách thành hai công ty riêng biệt, một chuyên sản xuất máy tính và máy in, một tập trung vào mảng công nghệ thông tin.
Rất nhiều những hãng công nghệ lớn khác cũng được cho rằng đang có kế hoạch chia tách trong thời gian tới. Có thể xu hướng tan rã vốn xảy ra đối với những tổ hợp doanh nghiệp những năm 1980 đang lặp lại.
Sau nhiều thập kỷ cố gắng mua lại và “lắp ráp” những công ty không liên quan, các tập đoàn này lại phải bán chúng đi, để tập trung hơn vào mảng kinh doanh chính của mình.
Theo The Economist/ VNexpress