Trước thềm Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán… dành cho bất động sản một cách bất hợp lý; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ nới lỏng sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại.
Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết thị trường ghi nhận những dấu hiệu mang tính bất thường, chưa ổn định, chưa lành mạnh. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động.
Về nguồn cung bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. Cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% trong năm 2022.
Số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, năm 2022, cả nước có 126 dự án với hơn 55.700 căn hộ được cấp phép bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với hơn 228.000 căn hộ đang được triển khai bằng 47,7% so với năm 2021; 91 dự án đã hoàn thành với hơn 18.000 căn hộ bằng khoảng 55,2% so với năm 2021.
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với hơn 5.520 căn hộ; có 114 dự án với hơn 6.190 căn hộ đã hoàn thành.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý không ổn định, cụ thể là thành công tăng cao nhất vào quý II, sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.
Về giá giao dịch bất động sản, theo Bộ Xây dựng, nhìn chung trong năm 2022, giá nhà ở, đất nền liên tục tăng trong quý I, quý II đến quý III chững lại và quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý II.
Giá căn hộ cao cấp có mức trên 50 triệu đồng chiếm 37% thị trường; căn hộ trung cấp có giá khoảng 25-50 triệu đồng/m2 chiếm 15% thị trường; căn hộ bình dân, giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không có.
Bộ Xây dựng cho rằng thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư; gây khó khăn cho doanh nghiệp; ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và dự án đang kinh doanh không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.
Để tháo gỡ cho thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp “không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.
Đáng chú ý, cơ quan này đề nghị không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán… dành cho bất động sản một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ nới lỏng sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; tiếp tục có cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Theo Lệ Chi / Vietnamfinance