Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan đều thực hiện biện pháp giảm thuế, phí để kìm đà tăng “sốc” của giá xăng dầu trước biến động mạnh từ giá dầu thế giới.
Jakson Hutchin, một tài xế taxi tại bang Califonia, Mỹ đã phải trả hơn 5 USD cho một gallon (3,78 lít) với xăng thường. “Xăng bây giờ quá đắt”, Jakson nói và cho hay, mỗi tháng anh ước tính khoản tiền chi cho nhiên liệu tăng gần 100 USD so với trước.
“Hiện tôi chỉ nhận khách đặt qua ứng dụng và cũng thanh toán tiền xăng qua thẻ để được giảm 10 cent mỗi lần đổ nhiên liệu”, Jakson nói.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua và đạt mức cao nhất 13 năm gần đây. Mức tăng trung bình 4 USD một gallon (3,78 lít) tại nhiều bang đã ảnh hưởng không nhỏ tới phần đông người dân nước này.
“Giá xăng tăng quá cao khiến tôi phải hy sinh nhiều khoản chi khác để bù vào. Khách thì ngày càng thưa thớt vì họ chuyển sang đi phương tiện công cộng nhiều hơn”, Jakson Hutchin tỏ ra buồn chán và nói nếu tình hình này kéo dài, những tài xế taxi như anh sẽ thất nghiệp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng. Nước này đã xả kho dự trữ quốc gia, tìm thêm nguồn cung mới… nhưng giá xăng vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Giá xăng, dầu tăng “thẳng đứng” khiến nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí.
Ông Karien Van Gennip, Bộ trưởng Việc làm và các vấn đề xã hội Hà Lan cho hay, Chính phủ nước này đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%.
Ngoài ra, Hà Lan cũng vừa thông báo sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro. Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ euro (tương đương hơn 3 tỷ USD) mà nước này đưa ra để ứng phó với giá nhiên liệu, lạm phát tăng.
Giá nhiên liệu hiện đã và đang làm tổn hại ví tiền cũng như nguồn thu của các cá nhân và doanh nghiệp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã tăng dự báo chỉ số giá tiêu dùng từ 2,3% lên 3,9% với các nền kinh tế phát triển trong năm nay và 5,9% với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Các tính toán của Hà Lan cho thấy, giá năng lượng tăng có thể khiến lạm phát nước này tăng 5,2% trong năm nay.
Giảm thuế cũng là cách mà Hàn Quốc, Thái Lan đang chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu. Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và khí hoá lỏng (LPG) giảm 20% trong 6 tháng, đến hết tháng 4 năm nay. Theo đó, thuế với xăng giảm từ 820 won (0,656 USD) xuống còn 656 won (0,525 USD) một lít. Mỗi lít dầu diesel giảm thuế từ 582 won (0,477 USD) còn 466 won (0,382 USD).
Yonhap dẫn thông tin từ Tổng công ty dầu khí Hàn Quốc (KNOC), cho biết giá xăng bình quân tại nước này hôm 10/3 tăng lên mức 1.904,35 won (tương đương 1,543 USD) một lít.
Giá xăng dầu tiếp tục leo thang khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn giảm thuế 20% với xăng dầu thêm 3 tháng, tới cuối tháng 7. Nước này cũng bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế nếu giá vẫn đà đi lên.
Còn Thái Lan, Chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%). Việc này nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu đang ở “đỉnh” với hàng hoá tiêu dùng, vận tải.
Thái Lan ước tính, việc giảm gần 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht. Ngoài giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này, ở mức 30 Baht một lít.
Loạt quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đang tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng. Mức giảm thuế mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể là hạ thuế VAT xuống 15% với xăng, dầu trước diễn biến mỗi lít xăng tại nước này đã tăng lên gần 1,6 bảng Anh (tương đương 2,06 USD).
Hơn hai tuần từ thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thô liên tục lập kỷ lục, chạm mức cao nhất trong nhiều năm.
Hôm 8/3, giá dầu Brent vượt 130 USD một thùng khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ, phương Tây lên chính quyền Putin đã đẩy giá nhiên liệu tăng vọt, ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền của người dân trên khắp thế giới.
Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga đã chạm 7,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12/2021.
Nhập khẩu ròng về năng lượng khiến các nước châu Á chịu tổn thương khi giá dầu tăng cao vì xung đột Nga – Ukraine. Với việc hơn 40% xuất khẩu của thế giới là từ châu Á, giá cả tăng cao sẽ gây ra tác động lan truyền trên toàn cầu.
Minh Anh (theo Bloomberg, Yonha)/ VNExpress