Tuyết Minh: Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa


Là nghệ sĩ đi đầu trong việc xây dựng những vở diễn nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa từ những năm 2003, Tuyết Minh không chỉ gây tiếng vang mà còn có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực Múa đương đại.

Cô đã có những trải lòng chân thành khi đảm nhận vị trí giám khảo cho chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew” sẽ được lên sóng vào ngày 22.5 sắp tới trên kênh VTV3.

Tuyết Minh Tuyết Minh: Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa

– Từng làm giám khảo của 4 mùa “Thử thách cùng bước nhảy” sau đó đã gác lại để chăm lo cho các dự án riêng của mình. Vậy đâu là lí do khiến chị lần này lại nhận lời làm giám khảo cho chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew”?

Nghệ thuật nhảy múa thường khá kín tiếng và không có nhiều sân chơi hay chương trình truyền hình khai thác sâu về đề tài này như các loại hình nghệ thuật khác. Nhận lời làm giám khảo cho chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew” vì tôi thấy được ở đây có 2 yếu tố mang đến lợi ích. Đầu tiên là các bạn vũ công, biên đạo đã có nơi để thể hiện mình, nâng cao trình độ chuyên môn, thỏa sức cho đam mê, cống hiến tuổi trẻ và kết nối nghệ thuật với khán giả. Cái lợi thứ 2 là về phía khán giả vì thông qua chương trình, họ có cơ hội tiếp cận, theo dõi trực tiếp các nhóm nhảy đang gây được sự chú ý hiện nay. Với tôi, đây không chỉ là sân chơi quyền lực dành riêng cho nghệ thuật nhảy múa mà còn là chương trình mang điểm nhấn khác biệt trong năm 2021 này.

Tuyết Minh 4 Tuyết Minh: Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa

Nổi tiếng với vai trò nghệ sĩ, biên đạo múa đương đại nhưng thế hệ trẻ hiện nay họ lại có xu hướng thích hiphop, dance… Chị có lo lắng mình sẽ khó “hòa nhập” được với các bạn trẻ và có thể đưa ra một điểm số không thích hợp cho thí sinh hay không?

Nghệ thuật múa đến từ chiều sâu của tác phẩm, mang đến cho người xem những thông điệp riêng. Bất kỳ một loại hình múa từ dance sport, múa đương đại, múa ballet, múa dân gian dân tộc, hip hop, jazz… cũng đều là ngôn ngữ, cách đối thoại giữa vũ công thông qua tác phẩm đến với khán giả. Tôi cũng sẽ thông qua các hình thức nhảy múa này để nhìn sâu vào thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải, từ đó cho điểm số cũng như lời khuyên thích hợp cho các biên đạo và nhóm nhảy tham gia chương trình. 

– Biên đạo múa hiện nay so với thời gian đầu chị theo đuổi con đường biên đạo thì giai đoạn nào sẽ khó khăn hơn? 

Tôi quan điểm rằng, ở mỗi giai đoạn đều có những thử thách và khó khăn nhưng ngược lại sẽ có nhiều cơ hội. Giai đoạn những năm 90 cho đến đầu năm 2000, khán giả đến với nhà hát và theoo dõi những vở diễn trực tiếp nhiều hơn. Bên cạnh đó, với sự bảo trợ của nhà nước thì các đơn vị nghệ thuật được tới từng địa phương biểu diễn thường xuyên. Chính khi mình đưa ra “món ăn tinh thần” sẽ được mọi người đón nhận một cách hồ hởi, nồng nhiệt nên khán giả thế hệ trước biết đến các biên đạo thông qua những vở diễn cũng dễ dàng hơn.

Các bạn biên đạo hiện nay theo tôi đánh giá là họ rất giỏi. Việc khai thác đề tài phong phú, ngôn ngữ và kỹ thuật hơn hẳn những thế hệ ngày xưa của chúng tôi. Tuy nhiên, với những loại hình nghệ thuật múa được du nhập và mở rộng ra ở nhiều nội dung khác nhau thì đội ngũ biên đạo cũng tăng lên, khiến cho điều kiện được quảng bá tên tuổi khó khăn hơn. Khi sân chơi “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew” xuất hiện sẽ giải quyết được bài toán khó đó của các bạn. Mọi người được học hỏi, trau dồi thêm chiều sâu, vốn sống, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân để nâng cao khả năng và dễ dàng gây ấn tượng với khán giả.

Tuyết Minh 1 Tuyết Minh: Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa

– Với khán giả, họ thường không tiếc tiền khi bỏ ra số tiền khá lớn chỉ để mua vé coi liveshow của ca sĩ nhưng để mua vé đến xem nghệ sĩ múa biểu diễn thì số lượng thường rất ít. Phải chăng múa thiên hướng về nghệ thuật quá nhiều khiến giới trẻ khó mà “cảm” được như tính giải trí mà các show khác mang lại?

Ở Việt Nam, múa đã được mở rộng ra ở rất nhiều vị trí. Bất kỳ lễ hội hay sự kiện nào cũng đều có sự xuất hiện của múa. Trên gameshow truyền hình hay là chương trình âm nhạc thì yếu tố múa, mặc dù chỉ là phụ họa, hỗ trợ cho ca sĩ nhưng luôn tạo nên một màu sắc chung cho chương trình nghệ thuật. Việc khán giả bỏ ra một số tiền lớn để tham gia các chương trình âm nhạc, nơi có thần tượng của họ là điều khá dễ hiểu. Những bài hát có thể gắn liền với giai đoạn nào đó trong cuộc đời họ hay đơn giản họ dễ dàng đồng cảm với ca từ trong đó. 

Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ hướng đến một đối tượng khán giả riêng của mình. Với nghệ thuật múa thì cần những khán giả có chiều sâu, đủ sự trải nghiệm cùng tâm hồn nghệ thuật nhạy cảm để có thể rung động và bỏ thời gian ra cho nó. Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa. 

– Là một người thầy, người biên đạo múa thì chị làm gì để truyền cảm hứng cũng như tạo điều kiện các tài năng trẻ phát triển trong lĩnh vực múa ngay tại chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew”?

Nghệ thuật nhảy múa mang tinh thần đồng đội rất lớn nên người nghệ sĩ múa nói riêng phải có tính kiên nhẫn và biết chia sẻ. Bạn thấy tên chương trình  là “Nhóm nhảy siêu Việt”, điều này có nghĩa rằng đây là sân chơi không có chỗ cho “chủ nghĩa cá nhân” tồn tại. Thành công là tất cả sự cộng hưởng của một đội và làm việc nhóm chính là tạo nên sức mạnh để giành chiến thắng. Nếu sân chơi này là cơ hội mà các bạn đang nắm giữ thì ở vị trí ban giám khảo, tôi sẽ luôn đồng hành để thổi đam mê cho các bạn, giúp các bạn có thêm niềm tin, chỉ ra những định hướng đúng đắn để phát triển. Tôi tin khán giả xem “Nhóm nhảy siêu Việt – Vietnam’s Best Dance Crew” sẽ khám phá ra những khía cạnh khác của nghệ thuật nhảy múa.

LC/Lifestyle

 


Các tin cùng chuyên mục