Chị Lê Thanh Hương – TGĐ Menard Việt Nam: Lạc quan chính là ‘tinh thần thép’ để vượt qua khủng hoảng


Đặt trọn tâm huyết của mình theo đuổi nghệ thuật làm đẹp cho người phụ nữ, cao hơn là làm đẹp cuộc sống, chị Lê Thanh Hương tin rằng, ngay trong đại dịch, sự lạc quan chính là “tinh thần thép”, mang tới những quyết định tỉnh táo và thông suốt mà mỗi doanh nghiệp cần có để vượt qua khủng hoảng mùa dịch.  

Chị Lê Thanh Hương, “người phụ nữ kiên cường như thép nhưng cũng mềm mại như hoa xuân” đã gắn bó với một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đến từ Nhật Bản gần 20 năm nay. Trong số báo này, chúng ta hân hạnh có cuộc trò chuyện cùng chị, để tìm hiểu cách “nữ chiến binh ra trận với vũ trang là sự tài giỏi và nhiệt huyết từ trái tim” đã sống, cống hiến và chèo lái doanh nghiệp đứng vững, vượt qua những ảnh hưởng của Covid-19.

menard 3 Chị Lê Thanh Hương   TGĐ Menard Việt Nam: Lạc quan chính là tinh thần thép để vượt qua khủng hoảng

Chào chị! Đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại trên toàn cầu, công việc kinh doanh của chị có thay đổi gì nhiều không?

Tôi nghĩ rằng để nói về những ảnh hưởng của Covid-19, những khó khăn mà doanh nghiệp đang cần vượt qua thì có rất nhiều bởi đại dịch là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của toàn thế giới, không chỉ ảnh hưởng tới một quốc gia hay một doanh nghiệp nhất định. Mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng và điều quan trọng là cách mà chúng ta nhìn nhận tình hình trong thời gian này. Nếu quá lo lắng, bạn có thể sẽ mất bình tĩnh; nếu quá cố gắng vùng vẫy, có khi bạn càng ngập sâu. Vì vậy, chúng tôi chọn cách chung sống với khó khăn và tìm cách để hạn chế tối đa ảnh hưởng của nó. Thời gian giãn cách xã hội, không được tiếp xúc gần với khách hàng, chúng tôi tập trung vào hoạt động R&D. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống sản phẩm và dịch vụ; lắng nghe những tâm tư của khách hàng, làm bạn với khách hàng trong thời gian cách ly xã hội qua những kênh truyền thông online, chúng tôi truyền cảm hứng về sự kỷ luật, tuân thủ theo mọi quy định của quốc gia và hơn cả là tinh thần lạc quan – liều thuốc mạnh mẽ nhất chống lại đại dịch.

Người ta thường nghĩ, về mặt quản lý, phụ nữ đôi khi mềm mỏng và cảm tính, không mạnh mẽ và quyết đoán như đàn ông, chị có nghĩ đây là khó khăn của người phụ nữ khi điều hành doanh nghiệp vượt khó trước Covid-19?

Tôi không muốn so sánh giới tính nào làm tốt hơn, theo tôi, năng lực truyền cảm hứng không phụ thuộc vào giới tính. Mỗi giới tính đều sở hữu những thiên tính khác biệt và mang đến những lợi thế riêng. Sự mềm mỏng của người phụ nữ không nên được coi là khuyết điểm, thậm chí còn là ưu điểm để vượt qua thời Covid-19 –  khi sự thấu hiểu và đồng cảm giữa người với người được đề cao. Có một câu nói tôi rất thích: “Ngôn nhi đương, tri dã mặc, nhi đương, diệc tri dã”, có thể hiểu là ngôn ngữ bộc lộ cá tính của con người, biết cách nói chuyện là một loại trí tuệ, biết cách trầm mặc cũng là một loại trí tuệ. Làm kinh doanh, đặc biệt trong ngành mỹ phẩm, cốt lõi của thành công có lẽ đến từ sự đối thoại, hơn hết là sự đối thoại giữa tâm hồn và tâm hồn. Tôi đề cao sự mềm mỏng trong giao tiếp, thấu hiểu và truyền thụ tinh thần lạc quan đến các cộng sự và cao hơn là tới cộng đồng. Tôi cũng hiểu chỉ lạc quan thôi, chỉ thấu hiểu thôi là không đủ với doanh nghiệp để vượt khó trong đại dịch, nhưng chính sự lạc quan ấy, thấu hiểu ấy mang đến cho tôi sự sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định mang tính trọng đại. 

Nhiều người nghĩ rằng sống chung với Covid-19 không có gì đáng sợ, mỗi cá nhân có thời gian nhìn ngắm lại mình, chăm sóc những vẻ đẹp nhỏ bé và trân trọng những giá trị thân thương, cũng có người nghĩ việc sống chậm này rất khó, mọi thứ đều đi lùi, việc “sống chung với Covid-19” một cách lạc quan và bình yên là “hopeless romantic”. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này ạ?

Tôi vẫn tin vào Luật hấp dẫn. Suy nghĩ và tinh thần của bạn có sức mạnh lớn hơn rất nhiều những gì chúng ta vẫn mường tượng. Nếu tập trung vào những nguồn suy nghĩ tích cực, Vũ trụ sẽ gửi tới ta những sự hạnh phúc, đáp ứng những nguyện vọng và ngược lại, khi ta chỉ nghĩ về những điều tiêu cực, kém may mắn, những điều đó cũng sẽ xảy đến như một lẽ thường tình. Những điều tiêu cực về đại dịch hiển hiện ngay trước mắt, đôi khi khiến ta run sợ, đôi khi muốn chùn bước, chính nguồn nội lực tâm hồn, tinh thần lạc quan sẽ mang ta trở lại với quỹ đạo vốn có của cuộc sống. Tôi không nghĩ việc ngừng lại một chút để chiêm nghiệm về thế giới, mở rộng lòng mình để yêu thương và trân trọng những giá trị cộng đồng trong thời điểm này là “sự lãng mạn vô vọng”. Lạc quan trong thời điểm này là là sự lãng mạn của khát vọng, là bàn đạp tiến gần hơn đến tương lai tươi sáng sau khủng hoảng. Tinh thần lạc quan chính là năng lực tinh thần vô hạn để mỗi cá nhân vượt qua khó khăn. Nếu tinh thần lạc quan được coi là một sự lãng mạn, tôi cũng muốn mình được lãng mạn mãi.

Được biết chị đã làm việc cùng người Nhật gần 20 năm, hẳn chị thấu hiểu Nhật Bản là một người khổng lồ dũng cảm đương đầu và đứng lên từ thiên tai, từ khủng hoảng. Liệu chị có thấy sự “lạc quan của khát vọng” trong người Nhật?

Ngay trong cái tên, theo Hán tự, “Nhật Bản” có nghĩa là mặt trời, mà mặt trời có bao giờ ngừng gieo khát vọng, gieo sự sống? Tôi luôn thấy người Nhật có một sự lạc quan của khát vọng. Nằm ngay trên vành đai núi lửa, người dân Nhật họ hiểu rằng thiên tai có thể xảy ra bất cứ phút giây nào. Họ chọn cách sống trọn những giây phút của hiện tại. Và ngay cả khi xảy ra thảm hoạ kép của năm 2011, người ta vẫn thấy Nhật Bản kiên cường, dũng cảm, bỏ qua quá khứ đau thương, vun đắp hiện tại và hướng đến tương lai. 

menard 2 Chị Lê Thanh Hương   TGĐ Menard Việt Nam: Lạc quan chính là tinh thần thép để vượt qua khủng hoảng

Vậy bên cạnh tinh thần lạc quan, chị nghĩ đâu là phẩm chất quan trọng giúp người Nhật Bản vươn lên trong khủng hoảng? Và chị có nghĩ Việt Nam có thể học hỏi được gì từ Nhật Bản để vượt qua đại dịch lần này không ạ?

Bên cạnh tinh thần lạc quan ấy, tôi chắc chắn rằng không ai có thể quên hình ảnh Nhật Bản đầy chất thép, đầy kỷ luật. Sự kỷ luật đã ngấm trong dòng máu họ, từ khi họ sinh ra, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bao giờ mất đi. Sự kỷ luật là một truyền thống đáng tự hào, nâng tầm vị thế và sự tự tôn của dân tộc Nhật Bản trên trường quốc tế. Trong thời điểm dịch này, người dân Nhật Bản dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ý thức cá nhân của họ vẫn toả sáng, tự giác thực hiện cách ly, tự giác đeo khẩu trang,… Trong đại dịch lần này, Việt Nam ta đang là một trong những nước kiểm soát dịch tốt nhất thế giới, nhận được rất nhiều lời khen từ WHO cũng như chính phủ các nước bạn. Để có được sự thành công trong kiểm soát dịch này, tôi nghĩ đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và người dân. Chính phủ có những biện pháp truyền thông rất đúng đắn, tạo được niềm tin trong lòng dân còn người dân Việt Nam đã có ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng tốt hơn nhiều. Phải nói thật, nhìn Việt Nam kiểm soát dịch tốt như vậy, tôi rất biết ơn và tôi tin rằng cuộc sống bình thường mới lần 2 sẽ sớm trở lại với nước ta. 

Lâu năm trong ngành làm đẹp, theo chị, có khái niệm nào được coi là vẻ đẹp chuẩn mực không? Và nếu có, Covid-19 có thay đổi quan niệm về vẻ đẹp của chị không?

Trong suốt gần 20 năm nay, vẻ đẹp đích thực mà tôi theo đuổi không chỉ nằm trên dung mạo xinh đẹp nơi gò má ửng hồng và đôi môi đỏ thắm mà còn nằm trong đôi mắt long lanh nơi tâm hồn sâu sắc và thanh cao cư ngụ. Đó là sự hoà quyện tuyệt vời giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tinh thần. Đối với tôi, mỗi người phụ nữ là một chuẩn mực riêng về vẻ đẹp, không thể gò bó hay áp đặt vào bất cứ một khuôn khổ nào, chỉ cần khơi dậy và nuôi dưỡng để người phụ nữ bộc lộ nét đẹp của cá nhân mình. Covid-19 càng làm tôi nhận ra tôn chỉ mà mình đang theo đuổi là đúng đắn. Đại dịch tới cũng là lúc vẻ đẹp tâm hồn thanh cao, trái tim biết rung động, tình cảm cộng đồng và những nét đẹp giản dị, thân thương nhất có cơ hội toả sáng rạng rỡ.

Trong mùa Covid-19, nhiều người nghĩ rằng việc làm đẹp trong thời điểm này là quá phù phiếm. Chị nghĩ sao về quan điểm này? 

Dù làm đẹp hay không, người phụ nữ cũng đã rất đẹp, rất cao thượng. Tôi tin rằng, tất cả những người phụ nữ trên thế gian này đều là những “Samurai xinh đẹp thời hiện đại”, mạnh mẽ ẩn mình trong dịu dàng, kiên cường ẩn mình trong ôn nhu và nhiệt huyết ẩn mình trong bao dung. Nghệ thuật làm đẹp, những phấn những son đều là “công cụ hỗ trợ” cho vẻ riêng biệt của người phụ nữ toả sáng. Nhưng bạn biết đấy, dù trong thời gian này, bạn cũng không thể nào bỏ mặc bản thân trong trạng thái tiều tuỵ. Mỗi người phụ nữ theo tôi đều là sứ giả của tình yêu thương. Người phụ nữ vẫn nên là phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, biết yêu thương và chăm sóc bản thân mình trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi ấy người phụ nữ mới có thể dang rộng vòng tay để trao gửi những điều tốt đẹp tới cộng đồng.

Vậy trong thời gian dịch, chị có những phát hiện mới mẻ nào về bản thân không?

Covid-19 cho tôi những trải nghiệm khó quên. Tôi chưa bao giờ thấy biết ơn hơn thế khi mỗi sáng thức giấc tôi được khoẻ mạnh, được nhìn thấy mọi người xung quanh mình khoẻ mạnh và hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ thấy yêu cuộc sống và cần cuộc sống bình yên đến thế này. Giãn cách xã hội, tôi mới có một chút ít thời gian để thưởng trà, học hỏi những nguyên tắc trong trà đạo của Nhật Bản. Có 4 nguyên tắc cơ bản trong trà đạo Nhật Bản: Hoà – Kính – Thanh – Tịch. Hoà là sự hoà hợp, hoà hợp giữa người thưởng trà và tách trà, cũng có nghĩa là sự hoà hợp giữa những người thưởng trà; Kính là niềm tôn kính và trân trọng, sự biết ơn với cuộc sống, với giây phút của hiện tại; Thanh là tấm lòng thanh thản, bình ổn; Tịch là sự vắng vẻ, tạo cảm giác yên bình và tĩnh lặng. Trà đạo mang lại cho tôi những giây phút bình lặng và cân bằng sau căng thẳng của cuộc sống. Tôi có một khoảng thời gian đủ yên tĩnh để đối thoại thẳng thắn với tâm hồn mình, khám phá sự bình yên nội tại, từ đó, giữ cho bản thân một tâm hồn khoẻ mạnh và quan trọng hơn là niềm tin vào cuộc sống mới. 

menard Chị Lê Thanh Hương   TGĐ Menard Việt Nam: Lạc quan chính là tinh thần thép để vượt qua khủng hoảng

Có thể thấy chị là một nữ doanh nhân rất đam mê với nghệ thuật làm đẹp: làm đẹp cho con người và làm đẹp cuộc sống. Vậy nếu không trở thành doanh nhân trong ngành làm đẹp, chị nghĩ chị sẽ làm gì?

Mỗi chúng ra có thể có rất nhiều sở thích nhưng chỉ có duy nhất một sự nghiệp. Sự nghiệp giống như sứ mệnh mà mỗi cá nhân được trao khi sinh ra trên cuộc đời này. Tôi yêu công việc làm đẹp cho mọi người, làm đẹp cho cuộc sống, thích truyền cảm hứng cho mọi người nhận ra ai cũng nên đẹp theo cách khác biệt và tìm được hạnh phúc khi nhìn thấy mọi người tự tin với phong cách của riêng mình. Tôi nghĩ rằng, ngay cả khi tôi không làm trong lĩnh vực làm đẹp, tôi vẫn có thể làm được những công việc truyền cảm hứng như thế này. Nhưng từ tận đáy lòng, tôi luôn thấy may mắn khi được trở thành một phần của ngành làm đẹp, nơi tôi có thể thực hiện đam mê của mình một cách tự tin nhất. 

Cảm ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Mong rằng đại dịch sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống bình thường mới sẽ sớm trở lại và mong chị cùng thương hiệu mỹ phẩm Menard vẫn sẽ tiếp tục lan toả những giá trị tích cực hơn nữa để làm đẹp cuộc sống, chung tay vì cộng đồng. 

LC/Lifestyle

 


Các tin cùng chuyên mục