Việt Nam – Na Uy: Cơ hội hợp tác nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản


Hà Nội, ngày 28/2, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy, Ông Erling Rimestad, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (“Bộ NN&PTNT”) phối hợp tổ chức Hội thảo “Việt Nam – Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản” tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. 

Hội thảo nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản. Đây cũng được kỳ vọng là diễn đàn để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp và cơ hội thiết thực để đẩy mạnh hợp tác nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển xanh hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới, trong đó các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Tại hội thảo, Hội đồng Hải sản Na Uy (“NSC”) cũng công bố một kế hoạch mới nhằm quảng bá tiếp thị các sản phẩm hải sản đến từ Na Uy tại thị trường Việt Nam và đến với người tiêu dùng Việt Nam.

nauy Việt Nam   Na Uy: Cơ hội hợp tác nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản

Hội thảo “Việt Nam – Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản” diễn ra tại Hà Nội ngày 28/2

Sự kiện nổi bật với sự hiện diện của hai đồng chủ tọa là Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy, Ông Erling Rimestad và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ông Phùng Đức Tiến. Ngoài ra còn có sự tham dự của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Hilde Solbakken; Giám đốc cơ quan Thương vụ Inovation Norway, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Ông Arne-Kjetil Lian; Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng hải sản Na uy (NSC) Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, cùng đại diện của các Bộ ngành Việt Nam như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Đặc biệt, một số công ty Na Uy và các nhà nhập khẩu Việt Nam cũng có mặt tại Hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, cũng như thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản.

Trong phần giới thiệu, Đại sứ Na Uy Bà Hilde Solbakken cho biết “Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản và hàng hải, và coi đây là một trong những trọng tâm của hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971”. 

Lần đầu đến Việt Nam, Quốc vụ khanh Erling Rimestad đánh giá cao mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản. Trong bài phát biểu khai mạc, Ông nói: “Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò phần quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta”.

Quốc vụ khanh Na Uy Erling Rimestad Việt Nam   Na Uy: Cơ hội hợp tác nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy, Ông Erling Rimestad phát biểu tại hội thảo

Đồng khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng “Hội thảo lần này là cơ hội để hai Bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà hai Bên đã ký vào tháng 5/2021”. Cũng tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng đã cập nhật những thông tin về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển trong những thập kỷ tới.

Chia sẻ các lĩnh vực ưu tiên của ngành nuôi biển Việt Nam trong thời gian tới, nhất là việc chuyển đổi từ mô hình nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Ông Trần Đình Luân khẳng định “Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về công nghệ, kỹ thuật nuôi biển và giờ đang chuyển mình sang nuôi biển quy mô công nghiệp bền vững cả về kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và nguồn lợi tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường tiêu thụ”. Tổng cục trưởng Trần Đình Luân bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá hồi của Na Uy.

Tổng cục trưởng TC THuỷ sản Trần Đình Luân Việt Nam   Na Uy: Cơ hội hợp tác nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản

Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Ông Trần Đình Luân chia sẻ tại hội thảo

Tham dự hội thảo lần này, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của NSC Ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy. Ông nhấn mạnh “Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng. Ngay từ những năm 70, Na Uy đã nuôi trồng và thương mại hóa thành công giống cá hồi Đại tây dương. Bờ biển Na Uy trải dải đến tận Bắc Cực. Đây chính là điều kiện lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Cá hồi được nuôi trong chính môi trường tự nhiên của nó. Trải qua hàng nghìn năm, ngư dân Na Uy đã tích lũy được cho mình kiến thức chuyên sâu về biển và loài cá này. chúng tôi biết cá của mình cần gì và phát triển ở đâu. Ngày nay, chúng tôi vẫn tiếp tục cải thiện quy trình nuôi theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ.”

Cũng nhân dịp này, NSC đã công bố kế hoạch hoạt động của mình tại Việt Nam. “In 2023, NSC sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại của mình ở Việt Nam để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Na Uy. Chúng tôi cũng có những chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước. Bất cứ nhà nhập khẩu nào của Việt Nam cũng có thể đăng ký sử dụng thương hiệu “Seafood from Norway” (Hải sản đến từ Na Uy) cho các sản phẩm của mình. Quy trình đăng ký đơn giản sẽ có ích cho doanh nghiệp nhất là khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc minh bạch đang ngày càng lớn ở thị trường Việt Nam”.

Với đường bờ biển dài tương tự nhau, Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới: Na Uy giữ vị trí thứ hai và Việt Nam hiện đứng thứ ba. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm. 

Bảo vệ hành tinh và đại dương thông qua việc giảm thiểu tác động của các hoạt động sản xuất thủy sản là trọng tâm của ngành thủy sản Na Uy. Na Uy áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận toàn diện dựa trên hệ sinh thái để quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản với các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ đại dương và các loài thủy sinh khác nhau. 

Trong khi đó, Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 cũng đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp. Việt Nam cũng đang có lợi thế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và quyết tâm khai thác tiềm năng, sử dụng có trách nhiệm và bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn. Thông qua việc hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành, và để Na Uy và Việt nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.

LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục