Vải thiều Lục Ngạn: Chinh phục thị trường khó tính


Với niên vụ 2015 thắng lợi thu về gần 3.000 tỷ đồng từ vải các dịch vụ phụ trợ, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang sải những bước vững chắc trong việc mở rộng thị trường bằng hướng tiên phong là xây dựng hàng nghìn cơ sở sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Đủ tiêu chuẩn “chiều” các ông lớn

Mặc dù do những diễn biến bất thường của thời tiết nên sản lượng vải thiều năm nay giảm khoảng 60.000 tấn so với năm 2015 tuy nhiên tại các vườn vải thiều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap tại Lục Ngạn không thấy nhiều dấu hiệu mất mùa. Bà Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: Mặc dù nhiều vườn vải trong xã ít hoa, không đậu quả song riêng 50 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap luôn đạt tỷ lệ ra quả khoảng 80%. Nguyên nhân chính là do các hộ đều được tập huấn kỹ về quy trình kỹ thuật và chủ động trong việc đưa ra phương pháp xử lý phù hợp.

Tại xã Hồng Giang, ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã cũng cho biết với việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap thì hiện tại tỷ lệ vải đậu quả toàn xã đạt hơn 80%, cao hơn bình quân chung cả huyện Lục Ngạn 20%.

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Bắc Giang thì vải thiều VietGap năm nay vẫn đạt khoảng 80 nghìn tấn, tương đương với năm 2015. Năm nay, vải thiều tiếp tục có bước đột phá trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU… Phía Mỹ đã chấp nhận tăng thêm 7 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap để nhập khẩu vào thị trường này, nâng tổng số mã vùng trồng toàn tỉnh Bắc Giang lên 13 mã vùng, với diện tích gần 160 ha, thu hút 327 hộ tham gia.

vai thieu luc ngan Vải thiều Lục Ngạn: Chinh phục thị trường khó tính

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng quyết định cấp cho 2 doanh nghiệp 5 mã vùng trồng nữa trên địa bàn huyện Lục Ngạn để chỉ đạo quản lý trực tiếp và thu mua sản phẩm. Như vậy, hiện nay riêng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn đủ đáp ứng điều kiện sang các thị trường khó tính của toàn huyện Lục Ngạn ước đạt khoảng 1.500 tấn, tăng gần 900 tấn so với năm 2015.

Chưa vào vụ đã “cháy” hàng

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap và sẵn sàng trả giá cao hơn so với thị trường cùng thời điểm. Điển hình như Công ty Teanda (thành phố Hồ Chí Minh) đã ký hợp đồng bao tiêu cả 5 ha vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap của thôn Kép 1 (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) để xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khó tính. Doanh nghiệp này cam kết thu mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường cùng thời điểm thu hoạch.

Ngoài ra, một số “đối tác” truyền thống đã có mặt ở Lục Ngạn từ lâu vụ vải năm nay tiếp tục tìm đến đặt vấn đề thu mua như Thanh Bình Jeune (Pháp), Rồng Đỏ, Ánh Dương Sao (thành phố Hồ Chí Minh)… HTX Hoa quả Kim Biên (Chũ, Lục Ngạn) cũng đã thực hiện liên kết với 20 hộ sản xuất tại xã Quý Sơn để đưa vào các siêu thị Bắc Kinh (Trung Quốc). Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang xúc tiến, tiếp cận với thị trường Trung Đông.

“Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ sản phẩm tại một số nước nữa như Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Nhật Bản, do vậy sản lượng vải thiều tiêu thụ tại các thị trường này có tiềm năng rất lớn. Nhất là thị trường Trung Quốc, dự kiến xuất khẩu sang thị trường này vẫn chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 50% sản lượng toàn huyện”, ông Hoàn nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: Thị trường xuất khẩu vải thiều đã được mở rộng tới nhiều quốc gia, không quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống: Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 45-52% tổng sản lượng và đặc biệt là thị trường xuất khẩu đã mở rộng sang các nước ASEAN như Lào,  Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia rồi sang Australia, Mỹ, Nhật…

Với 95% sản lượng xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2014, đến năm 2015 giảm còn 93% và tỷ lệ này sẽ còn giảm tiếp trong năm 2016. Ông Tuấn đề xuất, tiếp nối hiệu quả việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam, Bắc Giang cần mở rộng thị trường tiềm năng là miền Bắc và miền Trung.

theo tienphong


Các tin cùng chuyên mục