Một nghệ sỹ từng rất được yêu mến, nay lâm vào hoàn cảnh khó khăn tới không ngờ. Một nhạc sỹ có hàng loạt ca khúc quen thuộc và tuyệt vời, nay lụi cụi trong 4 bức tường chật hẹp. Mô-típ như vậy ban đầu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ độc giả. Nhưng khi mô-típ cứ lặp đi lặp lại liên tục, nhiều người bỗng giật mình tự hỏi: “Họ” có xứng để báo chí “khóc thuê” liên tiếp như vậy hay không?
Trong nhiều năm, có lẽ nghệ sỹ Chánh Tín chưa bao giờ phải đau đầu như với việc một số “báo chí kêu gọi giúp đỡ” ông đến vậy
Từ thiện là một mảng thông tin rất quan trọng của báo chí, bởi nhờ sự lan tỏa của những bài báo giàu cảm xúc về nhiều hoàn cảnh bi thương, thực sự cần cộng đồng chung tay giúp đỡ mà những người mong muốn làm thiện nguyện tìm được đích đến cho mình. Rất nhiều cơ quan báo chí đã làm rất tốt điều này, giúp cho các mảnh đời bất hạnh vơi bớt khó khăn, tạo đà vươn lên trong cuộc sống.
Nhưng gần đây, chuyện từ thiện trên một số trang báo dường như bắt đầu trở nên quá đà, khi người ta chứng kiến mô-típ ngày càng quen thuộc, trong đó một văn/nghệ sỹ nào đó từng có dấu ấn với khán giả nay gặp khó khăn, và “rất cần nhận được sự giúp đỡ”.
Có lẽ mô-típ phải nhận nhiều “gạch đá” đầu tiên là việc nghệ sỹ Chánh Tín bị vỡ nợ. Nghe tới “thương hiệu” Chánh Tín, nhiều người không khỏi xót xa khi người nghệ sỹ hào hoa một thời lâm vào cảnh gán nhà trừ nợ. Trong khi nhiều bài báo dồn dập khai thác “nỗi khổ” của ông thì cũng lại xuất hiện một luồng thông tin khác cho rằng Chánh Tín lợi dụng sức ép dư luận cho những toan tính của bản thân…
Chính sự nổi tiếng và thu hút quan tâm của dư luận khiến vụ việc “kêu gọi giúp đỡ” nghệ sỹ Chánh Tín trở thành con dao 2 lưỡi!
Chưa dừng lại ở đó, sau câu chuyện của nam diễn viên “Ván bài lật ngửa”, nhiều hoàn cảnh nghệ sỹ, nhạc sỹ khác cũng được đưa lên mặt báo theo mô-típ “xưa long lanh, giờ khốn khó”, khiến độc giả phải tự hỏi, liệu họ có xứng đáng để nhiều tờ báo kêu gọi giúp đỡ đến vậy hay không?
Và đỉnh điểm gần đây chính là việc nhiều tờ báo “bỗng dưng” khóc thuê cho dàn diễn viên của bộ phim “Đất phương Nam”.
Ngay sau khi nam diễn viên Hùng Thuận xuất hiện trở lại trên truyền hình với việc tham gia chương trình thực tế “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, một số tờ báo bắt đầu khai thác hoàn cảnh vất vả của “bé An”. Rồi chẳng hẹn mà lên, những trang báo ấy lại đồng loạt chuyển hướng sang “thằng Cò” của “Đất phương Nam”, với hoàn cảnh còn khó khăn hơn “bé An” rất nhiều, phải chạy xe ôm mưu sinh… Qua đó, nhiều lời kêu gọi giúp đỡ “cựu diễn viên” Phùng Ngọc (vai “thằng Cò”) trên mặt báo cũng xuất hiện.
Đến lúc này, nhiều độc giả đã phải thể hiện sự ngạc nhiên ra mặt trước nỗ lực “khóc thuê” của một số tờ báo. Tại sao một thanh niên khỏe mạnh và đang tự do kiếm sống như bao người khác lại cần phải trợ giúp? Câu chuyện từ thiện giúp đỡ “thằng Cò” xuất phát từ lý do “hồi bé đóng phim hay” và giờ lớn thì… “đang bị nhiễm trùng ngón tay”?
Câu chuyện “khó khăn” của Phùng Ngọc trở thành đỉnh điểm của sự vô lý trong mô-típ “báo chí khóc thuê cho văn/nghệ sỹ”
Khi độc giả đặt ngược lại vấn đề như vậy thì những bài báo “từ thiện” bỗng trở thành lố, bởi tác giả đã cố gắng “nặn óc” cho ra một lý do đáng thương nào đó, mặc cho lý do có lãng xẹt tới đâu!
Nhưng dường như những trang báo này vẫn chưa muốn dừng lại, thể hiện qua việc họ vẫn tiếp tục chạy theo mô-típ đó với diễn viên “Võ Tòng” của “Đất phương Nam”.
Và giờ, những ngòi bút “khóc thuê” lại quay sang một vị nhạc sỹ tài danh thuở nào, với mô tả đầy đau xót khi trong quá khứ, ông giàu “khó tin” và nhiều vợ đông con, nhưng giờ về già thì gần như chẳng còn gì trong tay và không vợ con nào ở cạnh.
Tới nước này, chỉ có thể nói rằng nhiều độc giả đã bị “bội thực” vì phải chứng kiến sự khai thác quá đà của một số báo chí, về những hoàn cảnh “giống như nhiều người khác” của các văn/nghệ sỹ hết thời.
Cần biết rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của báo chí là “khách quan”, để đánh giá chất lượng nội dung truyền tải tới độc giả. Liệu những cây bút đang sa đà vào mô-típ từ thiện nói trên đã bao giờ bình tâm suy nghĩ xem, họ có thực “khách quan” khi vào cuộc đưa tin về những hoàn cảnh văn/nghệ sỹ thật sự cần giúp đỡ? Thậm chí, chính những người đáng thương được nêu tên trong các bài báo, họ có chấp nhận chia sẻ câu chuyện của mình trong “toan tính” câu view của một vài ngòi bút nào đó?
Thật khó khăn khi phải nghe một độc giả thốt lên rằng: “Tôi còn khó khăn hơn nghệ sỹ ấy nhiều, kể cả khi so sánh trong hoàn cảnh nghệ sỹ ấy bết bát nhất! Nhưng tôi không phải là nghệ sỹ. Mà quan trọng hơn, tôi biết những hoàn cảnh đáng thương còn khó khăn hơn cả tôi… “
Khi sự khai thác trở nên quá đà, nó dễ mang tới tác dụng ngược. Nhiều độc giả không dư dả tiền bạc để trợ giúp, nhưng hình ảnh thần tượng trong mắt họ bỗng đổ sụp, “à, hóa ra văn/nghệ sỹ đó chỉ đến thế!”. Có ai muốn như vậy?
Thay vì nói mãi về sự cám cảnh, đáng thương ấy, có lẽ điều nên nói lúc này là tại sao những ca khúc tuyệt vời của người nhạc sỹ vẫn còn nguyên giá trị, mà ông lại nghèo? Tại sao những bộ phim hay của người nghệ sỹ vẫn gân ấy tượng, mà ông vẫn khốn khó?
Xin hãy nói về thực trạng phi lý của vấn đề bản quyền cũng như hướng khai thác sản phẩm hiệu quả, để người nhạc sỹ, nghệ sỹ, văn sỹ được sống đúng với công sức lao động của mình, thay vì kêu gọi lòng thương hại của xã hội – thứ “2 mặt” mà một người được nhận khá nhiều như “cậu bé Hào Anh” đang vô cùng ám ảnh và mong muốn được thoát ra!