Ẩm thực miền Tây luôn gắn liền với những món ăn dân dã nhưng độc đáo. Về miền Tây, bạn có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn bình dị nhưng đằng sau đó là hành trình khám phá và tìm kiếm nguyên liệu, chế biến món ăn giữa không gian rộng lớn của miền sông nước.
Nhái kho sả nước cốt dừa
Thành phần cho món nhái kho sả cốt dừa bao gồm sả ớt băm nhuyễn, nước cốt dừa, nhái, ngó sen, bắp chuối và rau nhút. Nhái được chần nước sôi và ướp sả thơm ngon trộn cùng nước cốt dừa beo béo tạo nên một món ăn đặc sắc đầy đủ dư vị.
Điểm đặc biệt của món ăn này là vị sả và nước cốt dừa rất nồng và thơm, làm mất đi mùi tanh khó chịu của nhái. Nhưng cái hồn thực sự của món ăn nằm ở những nguyên liệu dân dã và cách chế biến giản dị. Không quá cầu kì, người miền Tây tay lấm chân bùn lội đồng bắt nhái, ra vườn hái rau, rồi chưng nhái trong chiếc nồi nung đất sét trên bếp lửa than bình dị. Chính những điều này đã khiến món nhái sả kho dừa trở nên đặc sắc và đậm chất miền Tây.
Bồn bồn nấu cá lóc
Bồn bồn và cá lóc đều là những nguyên liệu gần gũi với người dân miền Tây. Nếu được thiết đãi món ăn này, chắc chắn không thực khách nào có thể thể kềm lòng trước nồi cá lóc nghi ngút khói thơm lừng. Trong đó, cá lóc được làm sạch và đặt trên bồn bồn muối chua để hấp chín và ăn cùng với bún cùng rau.
Tuy không được chế biến từ những sơn hào hải vị, nhưng bồn bồn cá lóc khiến thực khách mê mẩn bởi những mùi vị giản dị. Dù không là người miền sông nước, đã ăn bồn bồn cá lóc, ai cũng muốn trở thành người miền này, để ngày ngày lội đồng hái bồn bồn làm muối chua và ra sông bắt cá lóc về làm bữa cơm ấm cúng.
Mắm ong rừng U Minh
Mắm ong rừng nghe rất độc đáo và mới lạ, nhưng đối với người sống quanh rừng U Minh đây lại là món ăn hằng ngày mà nhà nào cũng có. Vì việc vào thăm rừng, lấy tổ ong là công việc hằng ngày của họ.
Cách chế biến mắm ong rừng U Minh cũng khá đơn giản. Chỉ cần chần tổ ổng vào nước sôi để lấy ong. Sau đó, nêm nếm vừa đủ các loại gia vị và cho thêm thính gạo rang đã được xay nhuyễn là đã có thể thưởng thức ngay sau đó.
Ai xuôi ngược về miền Tây, ghé rừng U Minh, chắc hẳn đều sẽ được người dân xứ này biếu tặng cho một lọ mắm ong rừng U Minh. Đây không chỉ là món quà đặc sản cho thực khách mà còn là tấm lòng người U Minh gửi đi đến người dân nơi khác.
Lòng tong hấp mỡ hành
Ở miền Tây, lòng tong là một loài cá phổ biến, thường được dùng để kho tiêu hoặc chiên giòn. Nhưng ít ai biết, lòng tong ở đây còn có thể dùng hấp với mỡ hành.
Chỉ cần phi mỡ hành và nêm nếm vừa đủ các gia vị. Sau đó dùng mỡ hành đã phi xếp đầy bên trên cá lòng tong và cho vào nồi hấp. Sau 15 phút, bạn đã có một món ăn ngon đậm chất miền Tây khó cưỡng.
Cái dân dã của món ăn này nằm ở cách phi hành rồi giăng lưới để bắt từng chúm lòng tong. Lòng tong không phải lúc nào cũng được bày bán hay có thể mua ở ngoài chợ. Người miền Tây sống quen với cá sông, do vậy, muốn ăn món này, họ chỉ cần ra sông sau nhà, bắt vài lớp cá, sau đó ướp tẩm nhanh gọn và bắt lên bếp để ăn ngày mưa cho ấm bụng. Chỉ cần có thêm chum rượu, vài anh em quây quần, người miền Tây với món lòng tong hấp mỡ hành cũng thấy ngon, no.
Lẩu bần
Bình dân như tên gọi, lẩu bần được chế biến từ hai nguyên liệu chính rất dân dã là lươn và bần. Trong đó, bần được dầm nát để làm nước lẩu. Đối với người miền Tây, ai cũng đều ăn qua món bần chấm muối ớt, dẫu chua đến chảy nước mắt nhưng nhiều người vẫn nghiện “bần” như mê xoài chấm mắm đường. Do vậy, chưa cần thấy nồi lẩu trước mặt, chỉ cần nghe đến lẩu bần, ai cũng lập tức chép miệng vì chua.
Kèm với bần là lươn – cũng là một nguyên liệu bình dị và không khó kiếm ở miền Tây. Để chế biến món này, người miền Tây phải bắt lươn, rửa sạch và duỗi thẳng. Sau đó, lươn được chà ớt để khử mùi tanh và ướp.
Vị chua của bần hòa cùng vị cay xè của ớt hiểm và vị ngọt từ thịt lươn tạo ra một hương vị đậm đà. Ăn kèm với lẩu là bắp chuối, rau thơm và lá húng chanh. Ngày trời trở gió, người miền Tây chỉ cần nấu món lẩu bần cạnh gian bếp, hít hà hương vị chua cay lẫn lộn, cũng thấy ấm lòng.
Linh Chi/Lifestyle