Sau khi pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà thì nhiều nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc với các dự án M&A. Ảnh: TTXVN
Theo các chuyên gia bất động sản, với nhiều cải cách quan trọng về chính sách, kinh tế Việt Nam năm 2016 tiếp tục khởi sắc, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ thị trường nhà ở là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư ngoại đã mạnh tay rót vốn, đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi có nguồn cung nhà ở lớn và đa dạng.
Các nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ mạnh vốn vào thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Vừa qua, Nam Long Group và liên danh nhà đầu tư Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) tiếp tục ký hợp tác phát triển dự án nhà ở riêng lẻ Fuji Residence tại quận 9 có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.Theo đó, hai nhà đầu tư nói trên sẽ mua lại 50% phần góp vốn của Nam Long Group tại công ty con của Nam Long là Công ty ASPL-PLB-Nam Long và cùng chia sẻ chi phí phát triển dự án Fuji Residence.
Kế đến, Công ty cổ phần Phát Triển bất động sản Phát Đạt, An Gia Investment và Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) hợp tác phát triển dự án River City (quận 7, tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD) dựa trên thế mạnh của mỗi bên về quỹ đất, kinh nghiệm phát triển dự án và nguồn vốn.Trong khi đó, Công ty Minh Nguyên Long và Công ty L&L – LuckyLand cũng đã ký kết toàn diện với Tập đoàn Tài chính SynGience (Singapore) về việc SynGience đầu tư 400 tỷ đồng vào dự án DepotMetro Tower – Tham Lương (quận 12).Ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc Công ty JLL Việt Nam (tư vấn bất động sản) cho biết, thời gian qua các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản Việt Nam do sự phục hồi của thị trường, tỷ lệ sinh lời cao cùng với nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách nhà ở.
Trong quý I/2016, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đáng chú ý như thương vụ A&B Tower (quận 1) đã được mua lại đến hơn 70% giá trị, Công ty Keppel Land mua một phần của dự án Empire City (quận 2) từ Empire City Ltd với giá trị tương đương 93,9 triệu USD.Ngoài ra, các thương vụ M&A khác có thể kể đến như dự án 132 Bến Vân Đồn (quận 4) do Trường Lộc Phát và Phát Đạt mua lại; Thao Dien Plot được bán cho Capitaland Vietnam; Duxton Hotel Saigon được New Life RE mua lại; Empire City chuyển nhượng cho Keppel Land Ltd…
Nhận định về xu hướng M&A, ông Stephen Wyatt cho rằng, xu hướng này tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2016 với lượng giao dịch nhiều hơn nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và đang trên đà giảm tại một số nước trong khu vực.
Ngành nghề, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (39%) trong tổng số vốn FDI. Ảnh: TTXVN
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, năm 2015, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho chuyển nhượng 23 dự án, tăng 2,55 lần so với năm 2014, riêng trong quý I/2016 có thêm 5 dự án xin chuyển nhượng. Nhờ hoạt động chuyển nhượng nên các doanh nghiệp đã tự giải quyết được nhiều dự án “đắp chiếu”.
“Trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho thuộc 36 dự án đã thống kê cuối năm 2012, đến hết năm 2015 đã tiêu thụ được 12.108 căn, chiếm 83,5%. Nếu cả năm 2015 có 35 dự án thông báo bán sản phẩm để huy động vốn với 16.827 căn thì quý I/2016 đã có đến 22 dự án thông báo bán hàng với 8.326 căn hộ, nhà phố, biệt thự”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ.Bên cạnh việc nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục bơm vốn, chuyển nhượng dự án, mua cổ phần thì thị trường bất động sản cũng đón nhận nhiều tin vui khi lượng doanh nghiệp thành lập mới trong ngành nghề kinh doanh bất động sản tăng nhanh, vốn FDI đổ vào thị trường nhà ở luôn chiếm tỷ trọng cao nhất.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm 2016, ngành nghề, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (39%) trong tổng số vốn FDI với vốn đăng ký 32.444 tỷ đồng.Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, riêng năm 2015, quy mô tín dụng vào thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, cao hơn so với mức 10,3% của cả nước.Trong hơn 5,5 tỷ USD kiều hối gửi về thành phố vào năm 2015 và 1,15 tỷ USD trong quý I/2016 có 21,6% đầu tư vào bất động sản.