Không phải cứ được khán giả biết đến tên tuổi là đã trở thành người có phong cách, không phải cứ có vài bài hit hay dẫn vài chương trình là đã tạo được cá tính riêng… Con đường để khẳng định một phong cách vốn là hành trình rất dài, nếu không muốn nói là đầy gian nan…
1. Cũng “mày mò” tìm cho bản thân một phong cách, cũng học hỏi từ đông tây cổ kim để lựa chọn cho mình một hình ảnh đẹp, nhưng rồi cuối cùng, họ, những người trẻ vừa bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật bỗng chẳng khác loài ốc mượn hồn…
Có một dạo, các ca sĩ Việt Nam bỗng mấy chốc hóa thành người nước ngoài với hàng loạt cái tên… ít thấy ở Việt Nam như Thiên Trường – Địa Hải, Nini Khanh, Quách Thành Danh, Tăng Nhật Tuệ… Rồi khi nhạc teen rầm rộ, một loạt các ca sĩ phục vụ lứa tuổi teen na ná hình tượng sao Hàn bỗng xuất hiện. Ở Việt Nam đến sân khấu ca nhạc bỗng thấy đâu đấy hình dáng của Bi, Boa, She… Ngay cả trên màn ảnh nhỏ, khi việc mua format các chương trình nổi tiếng về chuyển thể thành kịch bản trong nước trở nên phổ biến thì cũng là lúc mà đâu đấy người ta lại thấy một số MC không hiểu cố tình hay vô ý mà bỗng có những động tác, cách nói năng giống giống với MC nước ngoài.
Hiển nhiên, việc học hỏi cái hay của những ngôi sao lớn trên thế giới để ứng dụng và nâng cao tay nghề cho bản thân là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng học hỏi thế nào để bản thân không bị mất đi cái dấu ân riêng mới là điều cần cân nhắc. Phong cách phải được phát triển từ những tố chất riêng của mỗi con người chứ không thể là sự sao chép đồng loạt một mẫu hình nào đó. Nếu như trong văn học, cái tạo nên phong cách cho nhà văn chính là giọng điệu, cách hành văn thì trong ca hát, đó phải là chất giọng, vũ đạo, cách trình diễn và trong nghề dẫn chương trình thể hiện tại cách ăn nói, cách ứng xử trên sân khấu.
2. Hiện nay, nhắc đến phong cách, một số người còn ngộ nhận rằng đó chỉ đơn thuần là chuyện áo quần trang phục hay tóc tai kiểu cách. Chính vì vậy mà không ít các ca sĩ, người dẫn chương trình xuất hiện chải chuốt, màu mè, mỗi ngày mỗi kiều, thay đổi xoành xoạch như tắc kè bông cho phù hợp với trào lưu, với mốt mà tưởng rằng đó là con đường tạo nên phong cách của bản thân. Vậy nên mới có không ít người lâu lâu lại “la làng” lên rằng: sắp tới sẽ thay đồi phong cách, phong cách lúc này là vậy, lúc kia là thế… Nhưng đến khi cân nhắc, xem xét lại thì thật ra chỉ có áo quần, tóc tai là khác nhau còn bản thân họ, suy cho cùng chỉ là người chưa định hình được một phong cách riêng.
Phong cách cũng như cá tính phải là yếu tố giúp cho một người tự “nổi bật” và khác lạ giữa đám đông, khẳng định cái riêng, cái đặc biệt của bản thân mình. Với người làm nghệ thuật, phong cách càng quan trong để định hình một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Một ca sĩ có khi phải mất hàng chục năm nỗ lực xử lý, thể hiện và tìm tòi mới tìm được dòng nhạc phù hợp với chất giọng và tính cách của mình, để khẳng định một phong cách biểu diễn riêng. Thế nên mới có những tên tuổi bất hủ với thời gian, đi cùng năm tháng mà chỉ cần nghe thoáng qua là khán giả nhận ra ngay. Tương tự như thế, người dẫn chương trình có phong cách cũng phải là người để lại một dấu ấn riêng cho khán giả dù dẫn bất kỳ chương trình nào từ gameshow đến chính luận. Để có được điều này, chắc chắn không thể sao chép, vay mươn của bất kỳ ai, mà chỉ có thể từ sự học hỏi, khám phá không ngừng của tự mỗi con người mà thôi.
B.T