Lễ hội Oktoberfest là lễ hội bia lớn nhất thế giới có truyền thống lâu đời và được tổ chức hàng nǎm tại thành phố Munich Đức. Đây còn được xem là một trong những lễ hội lớn nhất thế giới. Lễ hội là dịp để hàng triệu người khoái bia gặp gỡ, trò chuyện, nhảy múa và dĩ nhiên là nốc những vại bia lớn đến chóng mặt. Lễ hội Oktoberfest thường kéo dài 16 ngày, một khoảng thời gian đủ để những “cao thủ” thấm nhừ chất men ngon tuyệt ở xứ Bavaria.
16 ngày đáng nhớ
Thành phố Munich bỗng đẹp hơn, ấm áp và vui vẻ hơn hẳn ngày thường. Đàn ông, thanh niên thì mặc Lederhose, quần làm bằng ba, may chẽn ống và có đây đeo, trông rất khoẻ khoắn. Các bà các cô thì mặc Dirndl, váy bó eo, xoè bên dưới, lớp ngoài cột thêm một chiếc “tạp dề” để làm duyên. Đường phố thường ngày vắng vẻ nay đông vui nhộn nhịp, xe bus tàu điện gì cũng đông nghẹt người. Dân Đức bình thường lên xe ngồi thẳng lưng đọc báo chẳng quan tâm đến ai. Nhưng dịp lễ hội này họ khác hẳn, mặt mày hớn hở vui cười, ai có tí bia thì càng thân thiện hơn nữa. Thậm chí những người chưa đủ tuổi để được mua bia cũng ăn vận chỉnh tề và tham gia lễ hội.
Mặc trang phục truyền thống, các cô gái nâng những vại bia đầy chúc mừng nhau trong ngày hội đầu tiên. Các nữ phục vụ trong lễ hội bia Oktoberfest rất điệu nghệ khi mang trên tay những đĩa gà rán mà không bị đổ. Nam giới “xúng xính” trong bộ đồ truyền thống đi diễu hành trong ngày đầu của lễ hội. Các ban nhạc mặc trang phục truyền thống diễu hành và chơi nhạc trên đường phố trong ngày khai mạc. Trong dịp này, những người tham gia không chỉ được thưởng thức hàng triệu lít bia tươi mà còn có dịp nếm hàng trăm món ăn ngon đặc trưng địa phương.
Trong 16 ngày tham gia lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong sự phong phú của hàng ngàn loại bia, không những vậy, các nhà sản xuất bia còn nhân cơ hội này giới thiệu các loại bia mới. Hàng năm, có sáu nhà máy sản xuất bia lớn của nước Đức là Löwenbräu, Spaten, Augustiner, Hofbräu, Paulaner và Hacker-Pschorr ủ loại bia dành riêng cho Oktoberfest được gọi tên là Wiesnbier (bia dành cho lễ hội). Loại bia này màu hơi đậm và có nồng độ cồn hơi nặng hơn so với các loại bia thường và được phục vụ trong những vại to có dung tích 1 lít. Những chiếc vại to này được gọi là ein Mass. Theo truyền thống, có 14 rạp bia to với những đặc điểm khác nhau được dựng nên. Các rạp này có sức chứa khá lớn, có rạp chứa được đến gần 9.000 người. Bên cạnh đó, các rạp sẽ hợp tác cùng sáu hãng bia nói trên để đem đến một lễ hội tuyệt vời cho tất cả mọi du khách. Âm nhạc và men say tưng bừng trên khuôn mặt của mỗi du khách. Hơn nữa ở Oktoberfest, không chỉ được uống bia, ngắm người trong lễ hội, mọi người còn có thể thỏa chí chơi các trò chơi mạo hiểm như chơi đu quay hay trò nhào lộn trên đường đua “Alpina Bahn”. Và còn nhiều trò thú vị khác nữa…
Lịch sử Oktoberfest
Oktoberfest được tổ chức lần đầu tiên vào 17/10/1810 nhân dịp thái tử Ludwig của vùng Bavaria cưới cô vợ Therese vào 12/10 cùng năm. Sau lễ cưới, thái tử còn tổ chức một cuộc đua ngựa trên sân cỏ mà ngày nay nó được gọi theo tên của thái tử phi – Theresienwiese. Sau gần 200 năm với bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội bia không những được mở rộng và phát triển mà còn lưu giữ được những truyền thống quý báu. Có lẽ thái tử Ludwig và công chúa Therese cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được lễ cưới của họ lại là bước mở đầu cho một lễ hội lớn đến thế, và ngày ấy họ cũng không thể hình dung được là sau 200 năm nữa vẫn có hàng triệu người còn nâng cốc để chúc mừng nhân ngày cưới của mình. Trên khắp thế giới hiện nay đã có tới khoảng 3.000 lễ hội bia khác nhau “nhái” theo nguyên mẫu.
Trong suốt lịch sử của lễ hội này, cũng đã có một số lần Oktoberfest không được tổ chức do chiến tranh hay dịch bệnh. Năm 1813, khi Bavaria phải chiến đấu với Napoleon hay thời kỳ Thế chiến thứ nhất và thứ hai, lúc những trận dịch tả của năm 1854 – 1873 hoành hành, người ta đã không thể tổ chức nâng ly chúc mừng. Tuy vậy, chiến tranh cũng như dịch bệnh không làm lễ hội lụi tàn, ngược lại, nó cứ mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và hàng triệu người hằng năm vẫn kéo về München để thưởng thức không khí có một không hai của nó.
Tối cuối cùng của hội bia thường bắn pháo hoa, để rồi lễ hội bia kết thúc. Sáng hôm sau cuộc sống lại trở về nếp cũ. Nhưng vẫn nghe được những câu chuyện đại loại như: “Mình mới quen bạn gái trong oktoberfest”, “Năm nay tao uống khá hơn, 3 Mass mà không xỉn” hoặc “Năm nay nhỏ đồng nghiệp của tao may cái Dirndl quá đẹp. Phải hỏi nó địa chỉ”… Người ta mang theo dư âm lễ hội vào cuộc sống, và đợi chờ sang năm đến hẹn lại lên.
My Lan