Máy in thải ra một lượng khí ozone không nhỏ. Người ngồi liên tục bên máy in, hít nhiều khí này sẽ dễ mắc bệnh, các tế bào cũng già nhanh hơn.
Máy in thải ra khí độc
Mới đây, Phòng thí nghiệm quốc tế về sức khoẻ và chất lượng không khí của Đại học Khoa học Công nghệ Queensland (Úc) cũng đã nghiên cứu và phát hiện, nồng độ của các hạt mịn từ máy in giải phóng ra tương đương với nồng độ hít thuốc lá thụ động, có thể làm cho không khí ô nhiễm tăng gấp 5 lần, nhẹ sẽ gây ra bệnh phổi, nặng sẽ gây bệnh tim, thậm chí ung thư.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, khi hoạt động, máy in sẽ thải ra khí ozone. Ở hàm lượng nhỏ, khí này còn có tác dụng làm sạch không khí. Các máy ozone khử độc rau quả bán trên thị trường cũng sử dụng loại khí này để làm sạch, diệt khuẩn. Tuy nhiên, ở hàm lượng cao, đặc biệt là ở các máy in, thì nguy hại cho sức khoẻ là không tránh khỏi.
Ozone nặng hơn không khí, khi kết hợp với các thành phần trong không khí như oxy thì chúng sẽ giảm đi tính độc hại. Nghĩa là trong không gian càng lớn, lượng khí ozone càng loãng thì sự độc hại càng giảm.
“Khi hít thở không khí có nhiều ozone, các chất này sẽ đi vào cơ thể và cạnh tranh oxy với các cơ quan khác trong cơ thể. Quá trình oxy hóa của khí ozone sẽ diễn ra dẫn đến thúc đẩy quá trình già hóa của các tế bào. Do đó, người ngồi cạnh máy in sẽ bị già nhanh hơn, dễ bị các bệnh về đường hô hấp, ở hàm lượng ô nhiễm nặng thì có thể dẫn đến ung thư”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết.
Mẹo tránh độc
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, gần như không có cách nào để loại bỏ khí độc này trong văn phòng, chỉ có thể hạn chế bằng các mẹo nhỏ. Nếu văn phòng buộc phải trang bị quá nhiều máy in thì nên để cửa sổ thông thoáng để không khí lưu thông, làm loãng hàm lượng khí phát ra từ máy in.
Đối với người ngồi cạnh máy in, không nên ngồi liên tục đến cả 8 tiếng trong văn phòng. Tốt nhất là mỗi lần máy in hoạt động thì nên đứng dậy, đi ra ngoài, chờ máy in xong thì mới ngồi lại. Bàn làm việc có thể đặt một số loại cây hút khí độc văn phòng để hấp thụ khí formaldehyde, một loại khí phổ biến trong văn phòng đông người chật chội.
Theo TS Trần Văn Minh, Viện Khoa học Kỹ thuật Lao động, để không khí văn phòng được thoáng, sạch, cần thường xuyên rửa sạch và khử trùng màng lọc, miếng tản nhiệt điều hòa, thông gió trong phòng giúp giảm nhẹ ô nhiễm trong phòng.
Buổi sáng nên mở cửa để ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào văn phòng, giúp diệt đi những vi khuẩn gây hại, ẩm mốc. Nên đặt máy in, máy photocopy ở nơi thông thoáng gió và cách xa con người ít nhất 3m, khi không dùng thì rút nguồn điện.
Theo các chuyên gia, nếu có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói, bủn rủn tay chân khi ngồi trong văn phòng thì nên xem lại các vị trí của máy in, máy photocopy. Thiết kế để chúng vào cũng một khu có bộ phân thông gió thì tốt hơn. Thà phải đứng dậy di chuyển để lấy bản in còn hơn để máy in bên cạnh, tiện lợi nhưng vô cùng tai hại.
Theo các chuyên gia, để tránh bị “già đi” vì máy in, chị em nên uống trà xanh vì các chất như polyphenol trong có thức uống này tác dụng hấp thụ các chất mang tính phóng xạ. Ngoài ra, trà xanh còn có chất chống oxy hoá mạnh và vitamin C, không chỉ giúp bài trừ các phân tử gốc tự do trong cơ thể mà còn giúp cơ thể sản sinh ra hormon đề kháng lại sự căng thẳng. Ngoài ra, cũng nên rửa mặt thường xuyên để ngăn ngừa các bức xạ tác động lên da.
Theo Kiến Thức