Làm sao để xuất hiện nhiều trên màn ảnh mà không khiến khán giả nhàm chán diễn viên; làm sao để có thể “bám trụ” được với nghề nhưng tìm được cho mình những khoảng lặng cần thiết trong nghệ thuật; làm sao để có thể biến nghề diễn viên vừa là nghề để “kiếm ăn” giữa thời buổi thị trường nhưng nguyên tắc nghệ thuật vẫn được tôn vinh… đó là những làn ranh mong manh mà không phải ai cũng vượt qua được.
1. Thời phim truyền hình Việt bùng nổ, với tốc độ quay phim kiểu 3 ngày/tập, để yên tâm về diễn xuất của diễn viên, các nhà sản xuất đã tự hình thành không hiểu từ bao giờ đã “định hình” cho mình một thói quen an toàn. Đó là, thay vì tìm những gương mặt mới, lạ hoặc thử sức, phá cách cho một diễn viên trẻ triển vọng, thì họ lại khăng khăng mời các diễn viên quen thuộc vào các loại vai quen thuộc để chắc chắn kết quả diễn xuất an toàn. Thế là, nhiều diễn viên phim truyền hình hiện nay bỗng bị chết ở một loại vai. Hiền lành, nết na hay đanh đá nhưng ấn tượng trong một phim là y như rằng, hàng loạt phim sau cũng vào vai đại loại như thế…
Nhiều quá hóa nhàm, đó là những vấn đề mà các diễn viên đang phải đối mặt trong con đường phát triển sự nghiệp của mình. Song, điều đáng nói là các trường hợp này càng lúc càng nhiều hơn và càng lúc lại càng có xu hướng rơi vào các gương mặt chỉ vừa chợt lóe sáng. Đến mức mà hiện nay chỉ cần nhắc đến diễn viên bị đóng khung hay “chết” một vai diễn là khán giả yêu phim truyền hình nào cũng có thể kể ra hàng loạt cái tên trẻ măng. Đó là trường hợp của Nguyệt Ánh lúc nào cũng hiền lành, dịu dàng; Đó là Kim Hiền lúc nào cũng đanh đá, chuyên vướng vào các cuộc chiến tranh giành người yêu; Đó là Thanh Thuý cam chịu, nghèo khổ vươn lên… Diễn viên chính đã thế, các nhân vật phụ huynh còn xuất hiện “lặp lại” thường xuyên hơn. Gần như các nhân vật đóng vai cha mẹ lúc nào cũng quanh đi quẩn lại chừng đó khuôn mặt như Mai Huỳnh, Tấn Thi, Diệu Đức… mà những nhân vật này thì hiếm hoi lắm mới có được một vai có tính cách lạ và đặc biệt. Thế nên các bậc phụ huynh chẳng khác gì được “thay con” liên tục. Mà con cái thì tính nết còn “trái gió trở trời”, chứ ba mẹ thì hầu như lúc nào mà chẳng thương con.
2. Nếu một diễn viên đã tạo được tên tuổi và chỉ cần duy trì phong độ thì sự hoàn thành tốt vai diễn còn có thể vi vu xem như là yếu tố đủ. Nhưng với những gương mặt trẻ thì sự lặp lại nhàm chán, không bứt phá có thể giết chết sự nghiệp của họ. Sự xuất hiện liên tục của những diễn viên vào vai các nhân vật có tính cách giống nhau sẽ khiến người xem có cảm giác nhân vật mới phảng phất hình ảnh, tính cách của nhân vật cũ. Thêm vào đó, nhiều phim lại phát sóng cùng cùng thời điểm, hoặc phim trước nối tiếp phim sau, trong khi tính cách nhân vật lại không có nhiều khác biệt, các diễn viên sẽ càng khó có khả năng khẳng định mình. Rất nhiều trường hợp, không thể phủ nhận diễn xuất của diễn viên chính rất tốt nhưng diễn mãi một loại vai, dù cho diễn giỏi đến mấy, cũng để lại sự nhàm chán cho người xem. Mà đã nhàm thì làm sao hay được.
Có một cách mà một số diễn viên khi cảm thấy vai diễn của mình bị “đóng khung” thường áp dụng là… nghỉ không đóng phim một thời gian, để khán giả quên bớt nhân vật mình đã đóng, và tìm một vai diễn mới lạ hơn để trở lại màn ảnh. Nhưng cách đó có lẽ chỉ hữu hiệu với nhưng tên tuổi đã được khẳng định. Còn liệu những viên trẻ mới vào nghề, vừa “lóe” chút tên tuổi từ một hai bộ phim có dám từ chối lời mời của các đạo diễn để nằm chờ cơ hội “lột xác” làm mới mình. Câu trả lời sẽ là gần như không. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi các viên tay ngang từ sàn catwalk, từ các cuộc thi nhan sắc… ngày càng nhiều như “nấm sau mưa”. Mất đi cơ hội xuất hiện trước công chúng cũng đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội “ghi dấu ấn” với khán giả, chưa kể có khi còn mang tiếng chảnh và bị các nhà sản xuất “lơ lờ” thì xem như… “lặn mất tăm”. Chắc chắn không một diễn viên nào muốn mình luôn “chết” trong một vai nào đó nhưng trước khi có thể trở thành những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật thì việc tìm cách tồn tại được với nghề với các diễn viên trẻ còn là bài toán hóc búa hơn rất nhiều. Mà hơn nữa, đây cũng không còn là vấn đề bản lĩnh của riêng diễn viên mà còn đòi hỏi cả bản lĩnh của đạo diễn, của nhà sản xuất nữa. Nhưng với tốc độ làm phim “chong chóng” như hiện nay, chưa kể thêm những yêu cầu của nhà tài trợ, liệu mấy ai can đảm “đánh cuộc” với sự phiêu lưu diễn xuất của các diễn viên trẻ.
Nghệ thuật và nghệ… thực, nhiều và nhàm, rõ ràng là những làn ranh dễ hiểu nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm!
Theo Lifestyle