Kinh nghiệm từ nghiên cứu vaccine Ebola và MERS giúp Nga phát triển Sputnik V trong vòng 5 tháng.
Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, cho biết các liều tiêm ngừa nCoV “không đi lên từ số 0”.
“Cả một thế hệ bác sĩ, chuyên gia virus, nhà miễn dịch học… đã phát triển công nghệ được sử dụng để tạo ra vaccine này và 6 loại khác nữa trong hơn 20 năm”, ông nói.
Theo ông, công trình nghiên cứu vaccine Ebola GamEvac-Combi vài năm trước đặc biệt hữu ích, giúp xác định thành phần và liều lượng tiêm chủng. “Số thí nghiệm chúng tôi tiến hành khi ấy không chỉ khiến vaccine Ebola hiệu quả, nó còn tạo tiền đề cho nghiên cứu về vaccine Covid-19”, ông nói.
Các nhà khoa học cũng sử dụng kiến thức thu được trong quá trình điều chế liều tiêm phòng MERS, mầm bệnh có độ tương đồng đến 80% với nCoV song gây chết người nhiều hơn.
Thông tin được hé lộ hôm 15/8. Cùng ngày, giới chức y tế tuyên bố bắt đầu sản xuất đại trà Sputnik V, sau khi sản phẩm được cơ quan quản lý phê duyệt. Động thái tiếp tục khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: liệu việc phát triển có quá gấp rút, liệu vaccine có đủ an toàn để phân phối trước khi thử nghiệm giai đoạn ba hoàn tất hay không.
Đáp lại những hoài nghi này, ông Gintsburg khẳng định các liều tiêm tuân thủ nghiêm ngặt quy định của đất nước. Luật pháp Nga cho phép rút ngắn quá trình phát triển do tình thế cấp bách của đại dịch, song không có tiêu chuẩn an toàn nào bị loại bỏ.
“Hơn 3.500 người đã tiêm vaccine. Chúng tôi không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ nào, ngoại trừ phản ứng thường thấy xảy ra trong tất cả đợt tiêm chủng, như sốt nhẹ…”, ông nói.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối năm ngoái, hàng loạt quốc gia và công ty công nghệ sinh học tham gia vào cuộc chạy đua tìm cách đẩy lùi đại dịch. Nga là nước đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa nCoV. Song đối với ông Gintsburg, điều này không nhằm mục đích chiến thắng cuộc đua.
“Thứ duy nhất thôi thúc chúng tôi là trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, với tư cách ‘thợ săn virus’ chuyên nghiệp”, ông nói.
Đến nay, toàn thế giới có khoảng 150 loại vaccine đang trong các công đoạn phát triển khác nhau, trong đó hơn 25 “ứng viên” đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng.
Theo VNexpress