Trong thời gian gần đây khi chính phủ dần nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội đối với đại dịch COVID-19 thì các đối tượng vận chuyển và kinh doanh hàng lậu, hàng giả sôi động trở lại. Với lợi thế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thoát được nhiều quy định và bị kiểm tra bởi cơ quan chức năng, mỹ phẩm giả với giá thành thấp, đi kèm là các thành phần, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng tiếp tục lan tràn khắp nơi trên mạng và các điểm kinh doanh ngoài thị trường.
Những trường hợp giả mỹ phẩm cao cấp với chương trình khuyến mãi lớn hay với mức giá chỉ bằng 30 – 50 % giá chính hãng không khó tìm trên các sàn thương mại điện tử hay các trang Facebook với muôn ngàn lý do vô cùng hợp lý như xả kho, hàng xách tay từ gia đình gởi về, hàng mua giảm giá từ nước ngoài có hóa đơn mua hàng v.v. Các cách thức làm giả vỏ hộp tinh vi đến gần như thật, và chỉ khi nào thật sự mở nắp và sử dụng thì mới biết rằng mình đã bỏ tiền làm giàu cho hàng giả, cộng thêm các chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào “bẫy” và mang về nhà các sản phẩm giả kém chất lượng. Hình thức phổ biến của hàng giả các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp là cam kết bán hàng chính hãng, xách tay, giá rẻ hơn hàng thật khá nhiều và chỉ giao dịch qua mạng, khi khách có nhu cầu mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, các đối tượng thường vòng vo và tìm cách né tránh.
Theo báo cáo từ L’Oréal Việt Nam, ước tính có hơn 60,000 cửa hàng bán mỹ phẩm, nước hoa liên quan đến mỹ phẩm không thể xác minh nguồn gốc, thành phần trên mạng. Trong đó có 31,000 trường hợp liên quan đến các nhãn hàng cao cấp của Lancôme, YSL, shu uemura và Kiehl’s, trộn lẫn hàng thiệt và hàng giả để bán tùy theo mức độ hiểu biết của người mua hàng. Trên kênh thương mại điện tử, chỉ trong năm 2020, mức độ tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng này đã tăng từ 134% đến 170% so với cùng kỳ năm trước, theo quan sát chỉ trên một trong những sàn điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Với đặc tính được tồn trữ trong điều kiện nhiệt độ, thời tiết, ánh sáng phù hợp, mỹ phẩm cao cấp không được phân phối tại kênh chợ truyền thống, và khá dễ dàng nhận thấy khi dạo quanh các chợ truyền thống có đến hơn 80% mỹ phẩm cao cấp là giả và 20% thuộc nhóm không còn hạn sử dụng.
Các điểm bán tại chợ truyền thống này hiện cũng đã nhanh chóng đưa cửa hàng của họ lên mạng qua sàn thương mại điện tử hay Facebook, với những lời hứa có thể kiểm tra hàng thoải mái và mức giá siêu thấp để tạo lòng tin và tăng tính cạnh tranh. Các sản phẩm giả thường không có nhãn phụ, không có ngày sản xuất và hết hạn.
Tình trạng trộn lẫn hàng giả và hàng thật và “nhìn theo mặt” để bán cho khách là khá phổ biến, đây là cách thức đối phó với việc kiểm tra từ cơ quan chức năng và vẫn có thể đạt mức siêu lợi nhuận từ buôn bán hàng giả.
Gần đây, trên thị trường tràn ngập loại gel tạo kiểu tóc giả mạo L’Oreal Professionnel, sản phẩm này phổ biến đến mức có thể tìm thấy trong các chương trình biểu diễn thời trang, trong túi đồ của các chuyên gia làm tóc và trang điểm. Tiết lộ từ một nguồn cung cấp cho biết đã có trên 2 triệu sản phẩm đưa vào thị trường Việt Nam.
Các cửa hàng trên mạng còn đưa luôn cả chiêu trò siêu đẳng là chương trình phân biệt hàng thật -giả trong khi tất cả đều là GIẢ. L’Oreal Professionnel chưa bao giờ sản xuất ra dòng hàng này.
Theo các bác sĩ da liễu và chuyên gia chăm sóc da, việc sử dụng mỹ phẩm giả có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe làn da về lâu dài, không chỉ chẳng mang đến hiệu quả nào mà dùng lâu dài khiến da trở nên rất nhạy cảm, dễ dị ứng, đỏ, ngứa, bong tróc, mụn…thậm chí phát triển thành các bệnh lý da liễu khác.
KÊNH MUA HÀNG CHÍNH HÃNG
Hiện tại khá dễ dàng để mua được hàng chính hãng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại các Trung tâm thương mại cao cấp như Takashimaya, Parkson, Diamond Plaza, Lotte Mart… vì đây là những địa điểm bán hàng đáp ứng được các yêu cầu về nhiệt độ, tồn trữ, quy trình kiểm tra bán hàng và dịch vụ khách hàng cho dòng hàng mỹ phẩm cao cấp.
Với khách hàng yêu thích mua hàng trên mạng vì sự tiện lợi, hãy vào chính cửa hàng của các thương hiệu mỹ phẩm chính hãng để được mua hàng hiệu quả, an toàn, dịch vụ khách hàng cũng rất chuyên nghiệp.
Các cửa hàng này thường có dòng chữ Official Store (Cửa hàng chính hãng) trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shoppee, Tiki…
Bạn cũng có thể tìm thông tin hàng chính hãng thông qua các trang Facebook của thương hiệu. Để nhận diện các trang này, bạn chỉ cần lưu ý một số đặc điểm như:
Có dấu tích màu xanh dương ngay sát bên cạnh thương hiệu do Facebook cấp (một số trang cũng tự tạo hình ảnh tương tự nhưng khác màu hoặc có chấm màu xanh dương để khách hàng nhầm lẫn), hình ảnh chuyên nghiệp, số lượng fan lớn, có trang lên đến vài triệu người.
Ngoài ra, đối với các trường hợp mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, cần tìm hiểu và chọn lọc, chỉ đưa ra quyết định khi nắm chắc nguồn cung là chính hãng, được thẩm định và công bố. Đối với một số nhãn hàng nổi tiếng, được ưa chuộng như shu uemura, Lancôme, Kiehl’s,… đều có cửa hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử như Lazada.
Để bảo vệ cộng đồng, trong trường hợp phát hiện ra mỹ phẩm giả, người tiêu dùng có thể phản ánh đến nhãn hàng chính hãng thông qua các số hotline 1800545463 được thông tin trên các kênh chính thức hoặc liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền như các đội quản lý thị trường địa phương.
Các trang bán hàng mỹ phẩm chính hãng của các thương hiệu cao cấp:
https://shop.shuuemura.com.vn/ (or https://www.lazada.vn/shop/shu-uemura)
https://shop.yslbeauty.com.vn/
https://shop.lancome.vn/ (or https://www.lazada.vn/shop/lancome)
http://shop.kiehls.com.vn/ (or https://www.lazada.vn/shop/kiehls-official-store)
https://shop.vichy.com.vn/
https://www.lorealparis.com.vn/store-locator
https://shopee.vn/maybelline_officialstore
T.D/Lifestyle