Danh hài người Mỹ Robin Williams vừa thắt cổ tự tử do mắc chứng Parkinson và nghiện ma túy. Nhiều người bất ngờ vì một diễn viên tài năng quanh năm suốt tháng đi gieo niềm vui cho thiên hạ lại phải kết liễu đời mình trong trầm cảm, tự kỷ kéo dài.
Vậy là đằng sau tiếng cười mà Robin Williams gieo cấy là một phận đời bi kịch. Ông sống chỉ với một nửa sự thật của đời mình, một nửa còn lại được che đậy bởi chiếc mặt nạ hí trường. Tuổi nghề của nghệ sĩ thường không dài và chiếc mặt nạ ấy cuối cùng đã rơi xuống, trả ông vua hài kịch về với thực tại chát đắng.
Sân khấu như một cuộc đời thu nhỏ. Phía sau hào quang lung linh là những thân phận được tô son trát phấn. Đã có rất nhiều nghệ sĩ đang từ đỉnh cao của thánh đường nghệ thuật đã rơi tõm xuống vực sâu ngang trái của đời thường.
Mà đâu chỉ nghệ sĩ, rất nhiều người trong thế gian này cũng đeo mặt nạ mà sống. Nguyễn Ngọc Minh (Minh “sâm”), Giám đốc Công ty TNHH Đại An (tỉnh Bắc Ninh), với vỏ bọc là doanh nhân thành đạt đã hiện nguyên hình là một trùm giang hồ chuyên cưỡng đoạt tài sản; Lê Trung Kiên – phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) – lại là bạn tâm giao của cánh xã hội đen, vừa nhúng tay vào vụ thuê sát thủ giết người. Cả hai vừa bị bắt, khiến không ít người ngỡ ngàng.
Thực tế, đã có không ít cá nhân từng được tôn vinh là “người đương thời”, là “gương sáng phố phường” hay điển hình về bảo vệ an ninh trật tự xã hội đã bị vạch trần là tội phạm kinh tế hoặc trùm xã hội đen. Họ chỉ lừa được thiên hạ trong thời gian ngắn chứ không qua mắt được sự thật bởi cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Như một quy luật không thể né tránh, chúng ta phải sống chung với những điều giả tạo. Có nhiều thứ giả tạo khó nhận ra, cũng có những thứ giả tạo ai cũng biết nhưng phải chấp nhận vì không thể làm khác hoặc không nên làm khác. Còn nhớ, vào thế kỷ XVII có Pulcinella, một diễn viên kịch người Ý. Khi diễn, bao giờ ông cũng đeo chiếc mặt nạ. Dù biết công chúng vẫn nhận ra Pulcinella tuy đã được ngụy trang song ông vẫn đeo mặt nạ, về sau hình thành cái gọi là “bí mật Pulcinella” – ám chỉ những điều ai cũng biết nhưng không nói ra.
Những điều “bí mật” ai cũng biết mà không nói ra ấy khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay, ví dụ như chuyện nhận phong bì. Rất nhiều cán bộ, công chức đã giàu lên bất thường, chắc chắn không phải nhờ lương mà nhờ “lậu” và nhiều người xem đó là sự thật hiển nhiên, theo lô-gic “làm quan – hưởng lộc”. Giữa một tập thể luôn kêu gọi sống và làm việc trách nhiệm, liêm khiết khi thực thi công vụ nhưng ai cũng đưa tay nhận tiền bồi dưỡng của người dân, thậm chí không nhận không được vì sự đời “bánh ít đi, bánh quy lại”. Nói rộng ra, khi ai cũng đều xem hành vi tiêu cực là bình thường thì khả năng đề kháng với cái xấu bị triệt tiêu. Bức tranh xã hội xấu đi là vì vậy.
Cuộc sống như đồng tiền hai mặt nhưng sự thật thì chỉ có một. Kể ra những điều trên không phải gây bi quan, nghi ngờ mà đó là một lời nhắc nhở: Không phải chuyện gì cũng tin; cần tỉnh táo suy xét trước mọi điều!
Theo Người lao động