Liên tục hút tiền: Ngân hàng Nhà nước chưa dừng lại, chứng khoán ngày càng thêm lo sợ


Trong 2 phiên gần đây, lượng tín phiếu trúng thầu giảm mạnh. Song giới phân tích cho rằng NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục chào bán tín phiếu cho đến khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong phiên đầu tuần này (2/10), nhà điều hành tiếp tục hút ròng 6.900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với lãi suất 1%/năm, đáo hạn vào ngày 30/10. Đây là phiên hút ròng thứ 8 trong đợt mở lại giao dịch trên thị trường mở từ cuối tháng 9.

 Liên tục hút tiền: Ngân hàng Nhà nước chưa dừng lại, chứng khoán ngày càng thêm lo sợ

Tuy nhiên, lượng tín phiếu trúng thầu đã giảm mạnh trong 2 phiên gần đây. Mức lãi suất trong hai phiên này ở mức 1%/năm, cao hơn so với trước đó (dao động khoảng 0,49-0,7%/năm).

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (29/9), NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Nhưng số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu giảm mạnh khi chỉ có 4 thành viên so với 11-17 thành viên trong những phiên trước đó. Bên cạnh đó, toàn bộ 4 thành viên tham gia đều trúng thầu với khối lượng chỉ đạt 3.800 tỷ đồng (chưa bằng 1/5 so với những phiên trước đó với lượng hút ròng mỗi phiên từ 10.000-20.000 tỷ đồng).

Trước đó, từ ngày 21/9, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Liên tiếp trong 8 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã chào thầu thành công gần 100.700 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lương VND tương ứng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Lý giải về nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Tuy vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

“Tỷ giá USD so với VND có thời điểm tăng 3,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, với việc điều tiết tiền tệ thông qua các công cụ, giải pháp thị trường tiền tệ, tỷ giá hiện nay còn tăng 3% so với đầu năm”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ trong phiên họp thường kỳ tháng 9.

Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Tuy nhiên, hoạt động này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.

Mặt khác, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa có sự thay đổi quá lớn trong những phiên gần đây, cho thấy thanh khoản trên thị trường 2 vẫn rất dồi dào và hoạt động phát hành tín phiếu nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì.

Trong tuần trước (25-29/9), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng nhẹ lên mức 0,3% và chênh lệch với lãi suất USD thu hẹp xuống chỉ còn -4,8 điểm %.
Việc hút ròng trên thị trường mở là một trong những động thái của NHNN nhằm điều tiết tiền tệ, giảm áp lực tỷ giá.

“Chúng tôi cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, công cụ hút ròng qua kênh tín phiếu khả năng sẽ là công cụ chính được NHNN sử dụng để điều tiết thị trường vì thế khối lượng hút ròng có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn”, các chuyên gia của Chứng khoán BSC nhận định.

Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp. Nhưng tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá. Để giảm nhẹ rủi ro tài chính đang gia tăng, các biện pháp nâng cao tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tăng cường khung giám sát ngân hàng là cách để đảm bảo ổn định và khả năng chống chịu của khu vực tài chính.

Minh Dũng / Vietnamfinance


Các tin cùng chuyên mục