Nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tiếp một loạt lãi suất điều hành.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước có mức giảm lần này là 0,2 – 0,5%/năm.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh giảm với các mức lãi suất nói trên và có hiệu lực từ ngày 6/8. Lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 16/3/2020.
Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND duy trì 0%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm xuống 0,8%/năm, giảm 0,2% so với thời điểm tháng 3/2020.
Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm còn 0,8%/năm, tương đương mức giảm 0,2% so với mức lãi suất được Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo quyết định được ký ngày 16/3/2020.
Theo lý giải từ Ngân hàng Nhà nước, các quyết định điều chỉnh lãi suất trên đây được ban hành nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ ổn định kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nhờ đó, thị trường tiện tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, lạm phát được kiểm soát và mặt bằng lãi suất thị trường giảm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhiều nghiên cứu về thị trường gần đây cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và lãi suất huy động thời gian tới.
Dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, lãi suất huy động trong tháng 7 của các nhóm ngân hàng đều giảm đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất trung bình của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm mạnh nhất (0,5%) từ 4,9% xuống 4,4%, nhóm ngân hàng lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cũng giảm 0,14% lãi suất huy động 6 tháng.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất của nhóm ngân hàng quốc doanh với mức giảm 0,5% từ 6,12% xuống 5,62%. Nhóm ngân hàng lớn có vốn trên 5.000 tỷ thì giảm 0,12%.
Lãi suất huy động của ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn quốc doanh giảm mạnh trong tháng 7 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng liên tục tạo đáy mới trong tháng 7 khi giảm mạnh về mức quanh 0,12-0,5% với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.
Nguyên nhân có thể đến từ tăng trưởng huy động vẫn ổn định trong khi tăng trưởng tín dụng tăng trưởng thấp. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26%, chỉ bằng khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong 7 năm qua.
Theo dantri