Khi USD tạm yên, nhìn lại quyết định tăng lãi suất để ghìm tỷ giá


Trong vòng hơn 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó 2 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành. Đến nay, khi tỷ giá tạm yên nhưng lãi suất vẫn tăng cao là thời điểm nhìn lại các quyết định này.
 Khi USD tạm yên, nhìn lại quyết định tăng lãi suất để ghìm tỷ giá

Kiểm soát tỷ giá giữ dòng vốn vào Việt Nam

Trao đổi mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách lãi suất đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình vĩ mô, lạm phát trong nước cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc cho biết, trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, NHNN đã cố gắng giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Nhưng cuối tháng 9/2022, NHNN đã quyết định tăng lãi suất điều hành dựa trên 4 yếu tố:

Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.

Thứ hai, lạm phát chung trong nước vẫn được kiểm soát tốt, nhưng lạm phát cơ bản – chỉ báo quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ – đã tăng so với cùng kỳ từ mức 0,66% tháng 1 lên 3,82% vào tháng 9 và tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng 10 và 11, hiện ở mức 4,81%.

Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 10. Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Việc tăng lãi suất giúp TCTD thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

NHNN cho rằng mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Trong khi đó, ngân hàng trung ương lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Như vậy, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

 Khi USD tạm yên, nhìn lại quyết định tăng lãi suất để ghìm tỷ giá

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà.

Liên quan đến việc điều hành lãi suất, tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội vào chiều 28/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN điều hành tiền tệ linh hoạt ở mức độ phù hợp, cùng các công cụ khác để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Với thị trường ngoại hối, bà Hồng nói: “Lúc này, phải tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tỷ giá”. Thống đốc phân tích, nếu giữ lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối, trong khi ổn định thị trường này vô cùng quan trọng với niềm tin nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm, “với doanh nghiệp lãi suất cao có thể ảnh hưởng tới sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại một chút, thị trường ngoại hối, ngân hàng ổn định, sau này có điều kiện tăng tốc, phát triển trở lại”, Thống đốc bình luận.

Tăng lãi suất điều hành là tất yếu

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng lãi suất điều hành là tất yếu. Đây là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh. Động thái tăng lãi suất của NHNN được cho là nhắm tới 2 mục tiêu: kiềm chế lạm phát và giảm áp lực đối với tỷ giá.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), động thái tăng lãi suất của NHNN là bắt buộc, trong bối cảnh nhiều quốc gia đều hạn chế cung tiền do đó cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có tăng lãi suất.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đánh giá: “Khi lãi suất tăng, đồng nghĩa giá đồng tiền tăng lên. Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của chúng ta, làm lạm phát tăng lên”.

Đồng quan điểm, GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 1% là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo một bộ đệm để tỷ giá vẫn được giữ vững trong một khuôn khổ nhất định”.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – việc nâng lãi suất điều hành là để bảo vệ đồng nội tệ. Nói cách khác, việc này nhằm đảm bảo việc mất giá của đồng VND so với USD trong tương quan giữa các nước ở mức chấp nhận được…

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng, ở giai đoạn nhiều rủi ro về lạm phát, về thị trường tài chính tiền tệ hiện nay, các nước siết chặt dần biện pháp chính sách tiền tệ. Việt Nam không thể tránh được việc buộc phải siết chặt chính sách tiền tệ.

Còn TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nêu quan điểm, thời gian qua, NHNN phát đi thông điệp rõ ràng và nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ là thận trọng nhưng linh hoạt. Giai đoạn tới, bên cạnh tiếp tục điều hành hính sách tiền tệ như giai đoạn vừa qua, NHNN nên kiểm soát chặt nợ xấu để hạn chế rủi ro đối với hoạt động hệ thống ngân hàng.

Mai Anh / Vietnamfinance


Các tin cùng chuyên mục