Ngày 21/12/20021, phát biểu tại sự kiện Internet Day 2021 với chủ đề “Phục hồi và Bứt phá Trong Kỷ nguyên Dữ liệu hoá”, ông Mika Lauhde, Phó chủ tịch toàn cầu về An ninh mạng và bảo mật của Huawei, đã khẳng định tầm quan trọng của Trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) trong việc bảo mật an ninh mạng, đồng thời chia sẻ những chính sách ứng dụng AI của Huawei nhằm xây dựng cơ chế bảo vệ có hệ thống và an toàn trên các nền tảng AI của Tập đoàn.
Việc tích luỹ và sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), cùng những cải tiến đáng kể về sức mạnh số, các đổi mới trong các phương pháp học máy (machine learning), công nghệ AI đã có những phát triển vượt bậc như nhận dạng hình ảnh, nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên,… Cùng với điều này, AI cũng có tác động đáng kể đến tính bảo mật. Một mặt, AI được sử dụng để xây dựng những hệ thống phòng thủ, phát hiện phần mềm độc hại, cảnh báo các đợt tấn công mạng,… nhưng mặt khác, AI cũng có thể bị khai thác để tạo ra các cuộc tấn công, bị tin tặc thao túng với ý đồ xấu,… Chính vì thế, trong một số tình huống, bảo đảm an ninh của hệ thống AI là vấn đề sống còn không chỉ của cá nhân, doanh nghiệp mà cả với an ninh quốc gia.
“Nói đến AI, chúng ta cần xác định sự khác nhau giữa Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI system). Nếu AI là hiển thị các hành vi thông minh bằng cách phân tích dữ liệu hành động và chủ động đưa ra những phản hồi nhất định để đạt được mục tiêu cụ thể, thì AI system là phần mềm được phát triển từ nhiều kỹ thuật và phương pháp tiếp cận hướng tới một tập hợp các mục tiêu do con người xác định”, ông Mika Lauhde, Phó chủ tịch toàn cầu về An ninh mạng và bảo mật của Huawei, chia sẻ. “Một khi hiểu được các định nghĩa về AI, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và xác định được phương án bảo vệ khi triển khai các hệ thống ứng dụng AI.”
Trong “Sách trắng về bảo mật AI” của Huawei, Tập đoàn cũng đã đưa ra đề xuất ba lớp bảo vệ hệ thống AI bao gồm: Giảm thiểu tấn công – dựa trên dữ liệu đã có thiết kế cơ chế phòng thủ; Mô hình bảo mật – xác minh và nâng cao tính mạnh mẽ của cơ chế bảo mật; Kiến trúc bảo mật – xây dựng một kiến trúc hệ thống an toàn để phòng vệ và bảo đảm an ninh.
Theo đó, mỗi hệ thống AI của Huawei đều phải vượt qua được 5 thách thức bảo mật: an ninh phần mềm và phần cứng, sự toàn vẹn dữ liệu, bảo mật dữ liệu, tính trọn vẹn và tính chắc chắn của mô hình. Huawei liên tục có những nghiên cứu, thay đổi và phát triển công nghệ AI bao gồm AI Architecture, AI application, AI framework, Basic platform, Hardware, Chipsets, Peripherals,… nhằm nâng cao cơ chế bảo mật, cung cấp môi trường ứng dụng AI an toàn và đáng tin cậy, góp phần vào việc xây dựng một thế giới AI thông minh trong tương lai.
Bên cạnh đó, để có một hệ thống AI an toàn và an ninh, không chỉ riêng những Tập đoàn ICT như Huawei mà mỗi người sử dụng cũng cần nâng cao năng lực của bản thân, có sự hiểu biết nhất định về AI trong an ninh mạng, chia sẻ thông tin kỹ thuật số và hợp tác quốc tế. Chính phủ, nhà cung cấp và cả người dùng đều có thể đóng vai trò là nhà quan sát, đoàn kết và cùng nhau đưa ra những giải pháp, tăng cường sự kiểm soát của con người trong các hệ thống AI như một phần giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong việc bảo đảm an ninh AI.
“Huawei luôn đề cao tính bảo mật trên AI và không ngừng nghiên cứu nhằm khám phá thêm những tính năng bảo mật cao hơn, bảo vệ tính toàn vẹn và bí mật của các mô hình, dữ liệu AI. Huawei tự tin cung cấp và hợp tác triển khai cho các khách hàng cùng các đối tác những dịch vụ hệ thống AI an toàn, đáng tin cậy, cùng đồng hành và phát triển.” – ông Mika Lauhde, Phó chủ tịch toàn cầu về An ninh mạng và bảo mật của Huawei, khẳng định.
T.D/Lifestyle