Chưa bao giờ những danh xưng đại loại như: ca sĩ thời trang, diễn viên người mẫu, MC người đẹp… lại xuất hiện rầm rộ như những năm gần đây. Những “mỹ nữ” từ các cuộc thi sắc đẹp, những “đôi chân dài” trên sàn catwalk… bỗng liên tục “biến hóa” đủ mọi vai trò và được tận dụng triệt để kể cả những cái “năng khiếu nhỏ xíu”.
Hậu kỳ nhan sắc, hình như suy cho cùng chỉ là các cuộc “lấn sân” thể nghiệm bất chấp kết quả…
1. Công bằng mà nói, chuyện hoa hậu, người mẫu “lấn sân” không phải là chuyện mới mẻ gì. Trên thế giới đến nay đã có rất nhiều gương điển hình về các cuộc “biến hóa” ngoạn mục này. Có thể kể đến như: Hoa hậu thế giới 1994 Aishwarya Rai trở thành “nữ hoàng Bollywood” với hàng loạt các giải thưởng về điện ảnh, Hoa hậu Mỹ Halle Berry với giải Quả Cầu Vàng 2000, Oscar nữ diễn viên xuất sắc 2002 hay Hoa hậu Malaysia 1983 Dương Tử Quỳnh với sự tôn vinh dành cho ngôi sao phim võ thuật… Song, những cái tên tuổi như Aishwarya, Halle Berry, Dương Tử Quỳnh… chỉ là những cái tên đếm được trên đầu ngón tay bên cạnh hàng loạt hoa hậu “xẹt qua xẹt lại, mỉm miệng cười” trên màn ảnh.
Ở nước ta, đến nay, trong làng người đẹp đóng phim, ngẫm ra hình như cũng chỉ có một Trương Ngọc Ánh được xem như thoát cái vỏ người đẹp, để thành diễn viên thực thụ, còn hầu hết dường như vẫn còn đang trong giai đoạn thể nghiệm. Mà ngẫm cũng lạ, fan các cô hoa hậu, người mẫu, cố gắng, kiên trì để tìm tòi, phát hiện điểm hay, điểm mạnh của “người trong mộng” qua từng tập phim là điều dễ hiểu. Nhưng còn các nhà sản xuất, không hiểu vì lý do gì, một người đẹp diễn xuất “thường thường bậc trung” mà cứ “nhiệt tình” mời đóng hết phim này đến phim khác, để rồi khiến người đẹp tự ngộ nhận, tự gán cho mình thêm một cái danh hiệu ngoài tầm với.
2. Trong khi các người đẹp “hớn hở” vì được cho cơ hội thể nghiệm một lĩnh vực mới, đồng thời có cơ hội tiệm cận khán giả hơn, thì khán giả, những người ngày ngày khao khát những “món ăn tinh thần” tươm tất lại đang bị thể nghiệm sự kiên nhẫn và lòng bao dung.
Còn nhớ, mới gần đây, trong một bộ phim được chiếu vào giờ vàng, một “kiều nữ” được mời vào vai diễn viên múa. Cứ nhìn cái cảnh bàn tay cứng đơ quơ lên quơ xuống trong “những chương trình hoành tráng trong phim”, khán giả ngoài đời cứ ngao ngán mãi. Lẽ nào cứ AQ rằng: “Phim bảo múa hay thì là hay vậy!”. Hay diễn xuất của một cô người mẫu tệ hơn mức trung bình nhưng xuất hiện liên tục nhiều phim. Rằng so với bộ phim đầu tay mà cô tham gia thì có tiến bộ một ít, nhưng so với diễn viên thực sự thì “người đẹp” dù thể nghiệm mãi vẫn không thể bằng. Trong lúc các người đẹp hăng say thể nghiệm, khán giả thì rèn luyện kiên nhẫn xem phim, riết rồi tự nhiên hình thành một thói quen: vừa xem phim vừa tham gia gameshow “đãi cát tìm vàng”. Lâu lâu, người ta lại giật mình: “Chu choa, cô này diễn cảnh này giống… diễn viên nè”, “Ối dào, phim này có tiến bộ hơn một tí tẹo”…
Mà các người đẹp đâu có hiểu nỗi lòng người bị thể nghiệm, cứ thách thức sự bao dung. Thế nên ngoài cái tham vọng màn bạc, hễ lĩnh vực nào có thể bước vào được là các người đẹp vô tư tham gia. Chỉ cần có một chút năng khiếu hát karaoke là lập tức tập tành làm ca sĩ, chỉ cần có một lối nói trơn tru, không vấp là ao ước làm MC. Khi mà các ca sĩ, MC thực thụ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” rèn luyện đủ thứ phẩm chất, đủ mọi yêu cầu khắc nghiệt của nghề, thì khi qua tay các người đẹp, nghề nào cũng đơn giản làm sao. Hiển nhiên, không ai “vơ đũa cả nắm” với những người đẹp có tài năng và dấn thân vì nghề thực sự, nhưng sao con số ấy hiếm hoi đến nỗi khó nhận ra quá.
Nhan sắc vốn không có tội! Có tội chẳng qua chỉ là do người ta quá ỷ y vào đó mà quên đi rằng: Trong nghệ thuật, tốt nước sơn cũng cần nhưng tốt gỗ còn cần hơn.
Theo Lifestyle