Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) ngày càng trẻ hóa theo độ tuổi. Bệnh không chỉ dừng lại ở lứa tuổi trung niên, thanh niên mà còn xuất hiện cả ở trẻ em nữa. Và trong 30 năm qua có sự tăng gấp ba lần số lượng các trường hợp bệnh tiểu đường ở trẻ em.
Trước đây, bệnh đái tháo đường thường chỉ được nói đến ở người trưởng thành, nhưng gần đây căn bệnh này xảy ra nhiều ở trẻ em, bởi chế độ dinh dưỡng có sự thay đổi. Bệnh ĐTĐ thường xảy ra nhiều hơn khi trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng. Một khi bệnh xảy ra cho trẻ thì rất khó điều trị, bởi cơ thể của trẻ đang cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển. Giống như ở người lớn, ở trẻ em cũng tồn tại tiểu đường dạng 1 và tiểu đường dạng 2. Với dạng 1 ở trẻ là do rối loạn tổng hợp insulin, rối loạn sản xuất insulin, có tính chất bẩm sinh. Với dạng 2 thường gắn liền với tình trạng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng gây nên.
Theo kết quả thống kê, trong số các ca trẻ em dưới 16 tuổi bị tiểu đường, có tới 90 – 95% trẻ bị tiểu đường tuýp 1. Đa số trẻ em có tiểu đường loại 1, gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng, những trẻ có mẹ mắc tiểu đường trước hoặc sau thai kỳ, thường có nguy cơ mắc tiểu đường cao. Các triệu chứng chính ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn: khát, giảm cân, mệt mỏi quấy khóc và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đi kèm theo đó có các triệu chứng điển hình như: Bụng đau, đau đầu và có những hành vi khác lạ.
Tiểu đường chỉ được xác định bằng cách thử đường huyết. Vì vậy muốn tầm soát cần thử máu định kỳ (chứ không phải tìm đường trong nước tiểu, vì khi đã có đường trong nước tiểu thì thường là tổn thương đã nặng, khó điều trị để phục hồi). Dùng thuốc ngay khi phát hiện bệnh và duy trì điều trị lâu dài, có khi phải dùng insulin thay thế suốt đời. Kèm theo thuốc là chế độ dinh dưỡng phù hợp và vận động tích cực. Cần chú ý ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ cũng phải tập cho trẻ thói quen vận động thường xuyên, tốt nhất là cho trẻ theo đuổi một môn thể thao nào đó ít nhất một giờ/ngày. Sống chung với bệnh tiểu đường, cha mẹ và cả trẻ (khi đủ lớn để hiểu về bệnh tiểu đường) sẽ không dễ dàng để chấp nhận nó. Nhưng, chỉ khi thật sự hiểu và chấp nhận bệnh tiểu đường, cha mẹ mới có thể giúp trẻ thích nghi và điều trị tốt căn bệnh này.
Vân Anh/Lifestyle