Các quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam mới chỉ dành khoảng 3% danh mục của họ để sở hữu cổ phiếu Ngân hàng do các năm trước các quỹ bi quan với triển vọng ngành
Từ đầu năm đến nay, thị trường đã được chứng kiến 2 con sóng của cổ phiếu ngành ngân hàng – cũng là ngành đã dẫn dắt thị trường chứng khoán nói chung. Nổi bật nhất không nhóm nào khác ngoài các cổ phiếu của 3 ngân hàng niêm yết có vốn nhà nước lớn. Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã tăng từ giá 30.000 đồng/cp lên đến hơn 45.000 đồng/. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương tăng từ giá 14.000 đồng/cp lên 20.000 đồng và cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đi từ giá 12.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh do trả cổ tức) lên 21.000 đồng.
Với sự tăng giá mạnh mẽ này, các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tại buổi giao lưu trực tuyến trên cafe chiều ngày 10/06, các chuyên gia đã có cùng nhận định về việc điều chỉnh trong ngắn hạn của dòng ngân hàng và có vẻ dòng tiền đang có xu hướng đổ vào nhóm dầu khí, nhưng triển vọng trung và dài hạn của dòng ngân hàng vẫn rất tích cực.
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô và thị trường của CTCK BIDV (BSC) vấn đánh giá trong năm 2016, 2017 thì dòng ngân hàng sẽ tiếp tục là trụ cột thị trường. Nhóm cổ phiếu này có nhiều đặc điểm để là nhóm dẫn dắt thị trường như kết quả kinh doanh cải thiện và được hưởng lợi trực tiếp từ chu kỳ phục hồi kinh tế; Tầm ảnh hưởng lên các chỉ số lớn; Cổ phiếu lưu hành thấp và cô đặc; Thanh khoản tốt, hiệu ứng lan tỏa thị trường tốt.
Nếu so với khu vực Đông Nam Á, P/E trailing và P/B ngành Ngân hàng đang đắt hơn 5 nước khu vực gồm Indonexia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Phillipine lần lượt 23% và 10%, chủ yếu là do VCB đang có mức định giá gần gấp đôi so với thị trường.
Tuy nhiên, theo thống kê của ông Bùi Nguyên Khoa, P/E và P/B của ngành ngân hàng đang thấp hơn P/E và P/B của thị trường lần lượt 1,4% và 2,5%. Hơn nữa, như đã đề cập phía trên, triển vọng của ngành Ngân hàng đang cải thiện mạnh. Có thể nói ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và có triển vọng tích cực từ năm 2015 cùng với đà phục hồi kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam mới chỉ dành khoảng 3% danh mục của họ để sở hữu cổ phiếu Ngân hàng (do các năm trước các quỹ bi quan với triển vọng ngành). Trong khi Ngân hàng đang là ngành lớn nhất, chiếm tới 29% vốn hóa của HOSE.
“Do vậy, ngay khi các dòng cổ phiếu khác không đủ sức dẫn dắt TTCK hay làm nơi trú ẩn và đầu tư tài sản của NĐT cá nhân và đặc biệt là NĐT Tổ chức, thì Ngành ngân hàng được xem như là sự lựa chọn số 1 từ năm 2015.” – ông Khoa khẳng định.
Ngoài ra, các NHTMCP cũng trích lập dự phòng nhiều trong 2, 3 năm qua, do vậy nếu chỉ nhìn vào LN của năm 2014 vừa qua để đánh giá thì sẽ chưa đánh giá hết được khả năng sinh lời của NH khi kinh tế phục hồi.
Ở những thị trường khu vực, P/E và P/B của một vài ngân hàng hàng đầu, hoặc đặc thù riêng cũng rơi vào 2 đến 3 lần so với bình quân ngành. Việc thị trường định giá cao với cổ phiếu dẫn dắt ngành như VCB vì vậy cũng chưa thể nhận định cổ phiếu quá rủi ro.
Nói về quan điểm đầu tư của cá nhân, ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán của CTCK VNDirect cho biết, cá nhân ông “hợp” với nhóm tài chính, ngân hàng.
“Tuy vậy, trong ngắn hạn, tôi chắc chắn bỏ rơi ngân hàng. Tôi chuyển sang các nhóm khác trong ngành, ví dụ bất động sản và chứng khoán. Nếu vẫn yêu thích ngân hàng, tôi nghĩ nên chọn những ngân hàng “chậm” hơn nhóm dẫn đầu – đó là chiến lược của tôi.”
Theo Trí thức trẻ