Thông tư 21 quy định diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư tối thiểu 25 m2 (đối với dự án nhà ở thương mại), tuy nhiên phải đảm bảo căn hộ nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25% tổng số lượng một dự án. Căn hộ phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, được chiếu sáng tự nhiên, nếu có từ 2 phòng ở trở lên thì cho phép một phòng không có chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9 m2, thông thoáng và được chiếu sáng tự nhiên.
Theo khảo sát của DKRA Vietnam, trong năm 2019, tỷ lệ căn hộ hạng C (diện tích dưới 50m2) trong mỗi dự án chỉ chiếm trung bình từ 22 – 35%. Bên cạnh đó, loại hình nhà trọ, căn hộ studio, căn hộ chung cư cũ.. có diện tích 25 – 50m2 đang tồn tại khá phổ biến cho thấy nhu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh ngày càng thiếu vắng căn hộ hạng C, các căn hộ có diện tích nhỏ và giá bán vừa túi tiền luôn thu hút sự quan tâm của toàn thị trường từ chủ đầu tư cho đến khách hàng, đặc biệt là những đối tượng mua để ở và có mức tài chính giới hạn. Hiện tại, những đổi mới về chính sách được xem như công cụ pháp lý hữu hiệu gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Kể từ khi thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 đã gây ra nhiều luồng ý kiến thảo luận không chỉ trên thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng toàn xã hội. Với góc nhìn tích cực, những căn hộ 25m2 sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở của người có tài chính khiêm tốn, hạn chế sự tự phát của nhà ở tạm bợ, đồng thời kích hoạt thị trường với khả năng tiêu thụ tốt và giao dịch sôi động. Tuy nhiên, việc cho phép xây dựng loại căn hộ 25m2 cũng không tránh khỏi những vấn đề này sinh. Đơn cử, những người có nhu cầu thực sự trong tương lai có mua 25m2 để ở không? Căn hộ diện tích nhỏ sẽ thích hợp để phát triển ở khu vực nào và các tiện ích đi kèm được quy định ra sao?…
Đề cập tới nhu cầu, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho biết trong 2 – 3 năm nay trở lại đây, quá khó để tìm ra một căn hộ hạng C (dưới 25 triệu đồng/m2) tại TP HCM trong khi nguồn cung nhà ở xã hội không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016 – 2025 nêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người tối thiểu gần 20 m2/người và đạt 22,8 m2/người vào 2025.
Trong khi đó, khảo sát của DKRA năm 2019 cho thấy căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 60 – 75 m2 vẫn chiếm phần lớn thị trường, đạt khoảng 82%. Căn hộ 1 phòng ngủ diện tích 50 – 60 m2 chưa tới 10%. Còn loại căn hộ 3 phòng ngủ hoặc trên 3 phòng ngủ, diện tích trên 75m2, 90 m2 ít hơn do giá cao ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Các căn hộ nhỏ vẫn gây ra các lo ngại tới vấn đề làm sao quản lý việc 1 người ở hay 2 người ở trở lên trong căn hộ 25 m2 để đảm bảo mục tiêu diện tích nhà ở bình quân 22,8 m2/người vào năm 2025. Khi số lượng căn hộ nhỏ gia tăng sẽ kéo theo dân số trong tòa nhà, khu dân cư tăng lên, gây áp lực về hạ tầng giao thông, kỹ thuật, tiện ích… Ông Lâm cho rằng cần quy hoạch khu vực được phép xây dựng căn hộ dưới 25 m2. Tại TP HCM, việc triển khai căn hộ 25 m2 cần thực hiện ở vùng TP HCM, gồm TP HCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Lựa chọn các tỉnh này vì có quỹ đất rộng, giá đất phù hợp, tránh tập trung vào khu trung tâm gia tăng áp lực hạ tầng, giao thông.
Bên cạnh đó, trên cơ sở chương trình nhà ở xã hội, theo ông Lâm có thể đổi mới hoặc nâng cấp thành các chương trình nhà ở quốc gia (dành cho đối tượng mua nhà lần đầu) mang tính lâu dài, quy hoạch bài bản, bền vững với quy trình thủ tục đơn giản nhưng quản lý thông tin tốt hơn. Liên quan đến chương trình nhà ở quốc gia cần xem xét nâng cao quy mô và thực hiện nghiêm túc quy hoạch đô thị từ thời điểm trước mắt cho đến khoảng 50 năm sau, thay vì chỉ dừng lại ở tầm nhìn đến năm 2030.
Nhìn chung, căn hộ 25m2 là giải pháp dựa trên nhu cầu có thực tế vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, để chính sách này hoàn thiện và mang tính lợi ích thiết thực, rất cần sự quy định chặt chẽ và phối hợp từ Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức ban ngành và các doanh nghiệp liên quan.
T.D/Lifestyle