Anh hùng luận


Không dám đao to búa lớn, luận bàn cổ kim, người viết bài này chỉ mong trình bày một góc nhìn cá nhân về những khái niệm liên quan đến anh hùng ngày nay.

anh hung luan Anh hùng luận

1. Ngẫm lại lịch sử, hễ anh hùng cái thế như Hạng Vũ phải sánh với tuyệt sắc Ngu Cơ; Phù Sai thống trị thiên hạ, phải cận kề bên Tây Thi sắc nước nghiêng thành; Còn “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như Từ Hải phải có một Vương Thúy Kiều “sắc đành họa một, tài đành họa hai”. Giả dụ mà búp bê cũng biết lập gia đình, thì chắc chắn nàng ấy cũng ào ào chạy lại cưới anh… siêu nhân cho “trai anh hùng sánh gái thuyền quyên”. Giai nhân – anh hùng trở thành “cặp đôi hoàn hảo”, bất di bất dịch suốt bao nhiêu năm lịch sử.

Đem chuyện xa xưa lẫn hơi hơi… xưa để ngẫm lại chuyện ngày nay. Như một phương cách chuyển ngữ cho hợp thời thế, cụm từ giai nhân được thay thế bằng các cụm từ đời hơn, “mốt” hơn như là hoa hậu, hotgirl. Chuyện này thì ai cũng rõ ràng, chẳng thèm tranh cãi. Ấy nhưng, giai nhân thì lộ diện, nhưng anh hùng chẳng biết giờ đã chuyển ngữ thành ai? Giả sử miễn cưỡng một quy luật mang tính bắc cầu, giai nhân sánh với anh hùng; giai nhân bằng hoa hậu, hoa hậu sánh đại gia. Vậy kết luận suy ra, đại gia là anh hùng thời nay, đúng không nhỉ?

Có cái gì đó vẫn không ổn, giai nhân và hoa hậu thì tương đồng về nhan sắc, nhưng anh hùng và đại gia, có cái gì đó chẳng liên quan. Đại gia thì chắc hẳn phải giàu, nhưng anh hùng xưa đâu phải giàu mới chuẩn. Vậy có lẽ đại gia chỉ là nên so sánh với các phú hộ, phú ông ngày xưa thường cướp hoặc cưới gái đẹp về làm lẻ, làm thiếp, thỉnh thoảng làm vợ. Như vậy xem ra hình như hợp lý hơn!

2. Thời chiến quốc, Tào Tháo từng cùng Lưu Bị uống rượu luận anh hùng. Trong thế thời oanh oanh liệt liệt, đầy dũng tướng, lắm cao nhân ấy mà Tào Tháo nhận định: “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân với… Tháo này thôi”. Vậy mới biết, anh hùng tự cổ đã rất… khan hiếm. Để có được cái danh xưng anh hùng đó là cả một quá trình chứng minh đầy gian khổ và là kết quả của sự tôn vinh từ trái tim của người đời.

Tôi được nghe kể những câu chuyện về những người chiến sĩ công an liều mình phá một đường dây buôn bán ma túy lớn. Tôi được kể lại câu truyện về người thầy giáo dám bước lên hành trình đơn độc chiến đấu chống lại những tiêu cực thi cử. Tôi nghe câu chuyện về một lãnh đạo cấp cao không ngại rớt chức, quyết bài trừ tham nhũng. Và tôi nghe đâu đó câu chuyện những người bạn tôi quyết dùng ngòn bút tranh luận đến cùng để đòi lại công bằng cho anh A, chị B. Những câu chuyện ấy tôi được nghe thoáng qua một lần, rồi không biết đi đâu về đâu.

Tôi nhớ đến hình tượng cây Tùng, cây Trúc trong thơ ca tôi được học. Cây Tùng mọc trên núi cao, khô cằn, thiếu dinh dưỡng, đầy chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết, không ngã đổ. Tôi nhớ đên cây Trúc sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, ngay thẳng từ đốt đầu tiên, thậm chí bị cháy, than từ trúc vẫn thẳng. Họ, những người trong hành trình đấu tranh gian khổ, cống hiến cho đất nước, họ là tùng, là trúc. Và mong rằng họ vẫn giữ được cốt cách ấy đến trọn đời.

3. Ngày Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết, cả cộng đồng xôn xao. Nick Vujicic, một chàng trai khuyết chi đã làm tan chảy trái tim hàng triệu triệu người. Tôi lặng đi khi nghe những câu chuyện về Nick. Tôi tưởng tượng Nick , dùng hai ngón chân nhỏ xíu trên hai bàn chân bé tẹo, không cẳng chân, lướt bàn phím máy tính, trả lời điện thoại, cạo râu, bơi lội, lướt sóng. Tôi tưởng tượng cả một tuổi thơ nhọc nhằn với những khiếm khuyết, tôi hình dung cả một chặng đường đầy chông chênh cho chàng trai đầy nghị lực khẳng định mình.

Ấy vậy mà chàng trai 28 tuổi này khởi động các chương trình diễn thuyết truyền cảm hứng của mình từ năm 17 tuổi. Nick tốt nghiệp đại học với 2 chuyên ngành cùng một lúc là kế toán và kế toán tài chính. Hiện Nick còn điều hành Life Without Limbs, một tổ chức phi lợi nhuận hướng về những người khuyết chi.

Kinh pháp cú có viết: “Thắng một vạn quân, không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Và tôi nghĩ Nick là người đã lập được chiến công oanh liệt đó. Hơn 1600 bài phát biểu trên hàng chục quốc gia của 4 châu lục: Phi, Á, Úc, Mỹ, những gì Nick Vujicic làm đã thổi bùng lên niềm hy vọng cho những người đang hoang mang, đang mất niềm tin. Nick giống như hạt mầm hy vọng còn sót lại trong chiếc hộp Pandora kỳ bí của thần thoại Hy Lạp và giờ đây đang thực hiện sứ mệnh của mình.

Tôi gọi Nick Vujicic là người hùng mang thông điệp hy vọng, rong ruổi khắp nơi mong hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng.

4. Thời nay, vẫn có những anh hùng họ Lục từ trong sách bước ra. Họ là hiện thân của chàng Lục Vân Tiên “kiến ngãi bất vi vô dũng giã”. Họ tay không bắt cướp, họ xông pha vào dao, vào rựa cứu người; họ không màng sống chết, nhảy xuống dòng nước cuồn cuộn trôi để cứu lấy những cánh tay đang cố ngoi lên tìm sự sống… Họ được tôn vinh, họ đáng được tôn vinh. Họ được ngưỡng mộ, họ đáng được ngưỡng mộ. Song, họ đầy rủi ro.

Ai trong chúng ta cũng mơ ước được sống như một anh hùng được xã hội tôn vinh, nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm anh hùng. Ngoại trừ một số người bẩm sinh được trời ban cho sức mạnh phi thường, thì phần lớn, muốn đánh bại kẻ xấu cần phải học. Kẻ cướp hung hãn với dao trên tay, kẻ cuồng sát với súng, với mã tấu, một người thường sức nào chống trả lại. Thấy người lâm nguy phải cứu, nhưng Lục Vân Tiên ngày xưa là một võ tướng, còn những Lục Vân Tiên ngày nay phần lớn chỉ có tấm lòng nghĩa hiệp. Họ cứu người và lắm lúc họ hy sinh. Ta trân trọng và ta cũng đầy tiếc nuối. Ta tôn vinh họ nhưng ta không cổ súy cho tất cả mọi người phải biến thành họ Lục khi bản thân chưa trang bị đầy đủ sức mạnh của Lục Vân Tiên.

5. Vậy anh hùng thời nay, họ là ai? Thử search google cụm từ “anh hùng thời nay” xem ra gì? Một học sinh đua đòi trộm tiền cha mẹ, mê thuốc lắc, thích vũ trường, và vi vu trên xe với tốc độ không cưỡng lại được. Tại nạn giao thông xảy ra, báo chí đưa tin “Anh hùng xa lộ X, Y, Z tử nạn”. Một gã đàn ông múa rựa rượt chém tình địch hiên ngang như giết giặc, một cậu sinh viên thất tình dùng dao rạch bụng tự tử như samurai, một đám ăn cướp xông vào nhà băng như cứu giá, một gã cuồng ôm bom tự tử như cảm tử quân… Họ, những kẻ tự nghĩ mình hành động như anh hùng, với cái khí chất “có cái chết tựa núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng”, cuối cùng cũng được đưa tin với cụm từ anh hùng trong dấu ngoặc kép kìm cặp ngữ nghĩa.

Ngẫm lại ngày xưa các bậc anh hùng như danh tướng thường được thơ ca khắc họa bằng hình ảnh: “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”, thì nay những người này cũng giống… danh tướng ngày xưa ở một điểm rất đặc trưng: chết sớm. Chỉ có điều danh tướng xưa phơi gan trải mật, vó ngựa bọc thân, hy sinh cho nước non thì những anh hùng lặt vặt, vớ vẩn, ngớ ngẩn này chết vì những thứ “cóc ghẻ, cúm gà”. Họ cũng anh hùng nhưng là anh hùng ngoặc kép, một dạng anh hùng bỏ đi.

6. Nhắc đến những dạng anh hùng này, chợt tôi sức nhớ đến một loại hình anh hùng mới xuất hiện những năm gần đây: “Anh hùng bàn phím”. Họ là những kẻ đủ hình đủ dạng, tự cho mình được quyền “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vì họ sống trong một thế giới ảo, một không gian ảo, một avarta ảo. Họ tự nhận mình là anh hùng khi thấy ghét ai thì “ném đá” vỡ “nhà” họ ra. Họ comment không cần biết chủ nhà có bị tổn thương không, họ ăn to nói lớn, gào thét, chửi đổng, đập bàn đập ghế… làm tất tần tật những chuyện ấy trên mạng. Họ chém gió sành sỏi như chém… ruồi, họ vỗ ngực xưng tên với những nick name rất kiêu “anh hùng lương sơn bạc”, “võ lâm minh chủ”, “Cái bang trưởng lão”…

Những anh hùng bàn phím này thấy mình thật anh hùng trong thế giới ảo, và họ phát cuồng đến độ đăng nhưng dòng tin mà họ nghĩ họ phi thường, đại loại như: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đam xe máy vào đã củ tỏi vào hồi 17 giờ 07… Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”… Để rồi khi bị lôi toạc ra thế giới thật, họ khúm núm, họ co ro, họ che mặt, họ cúi đầu. Những phát ngôn hoành tránh, những hành động được xem là dũng mãnh, bay tán loạn vào đường truyền internet, cái tưởng là khí phách anh hùng lấp ló ở sự ngạo mạn, khinh đời bỗng “sign out”. Họ là một dạng anh hùng rơm thời cũ, với câu ca dao khiến người ta bật cười: “Anh hùng gì anh hùng rơm; Ta cho bó lửa hết cơn anh hùng”.

Dương Bảo


Các tin cùng chuyên mục