“Thần tài đến rồi! Mấy cô, mấy bác, mấy anh, mấy chị ơi! Thần Tài đến rồi!…”
Mỗi lần tiếng bà Năm Tửng vang lên giữa trưa vắng là người ở xóm trọ Bình Yên bực mình. Chuyện bán vé số là chuyện bình thường, nhưng la hét giữa trưa, rồi xộc thẳng vào nhà người ta mời mọc, chỉ có mỗi bà Năm Tửng này thôi. Con Bé nhác thấy bà Năm Tửng là nó hoảng sợ, đóng chặt cửa. Lúc nhà con Bé mới dọn về đây, nó đâu biết bà Năm Tửng tửng đến vậy. Bà đứng trước nhà mời mua vé số. Nó thấy bà lớn tuổi đi giữa trưa nắng, tội nghiệp, móc mười ngàn đồng mua ủng hộ. Bà Năm Tửng được dịp hỏi xin ly nước đá, rồi vào luôn trong nhà, thản nhiên ngồi rất lâu. Sau hôm đó, trưa nào bà cũng tự nhiên xông thẳng vào nhà, bảo nó mang nước tiếp khách.
Bà Năm Tửng hôm nay cũng như mọi lần, đứng trước nhà con Bé đập cửa hét to:
“Thần tài đến rồi! Mấy cô, mấy bác, mấy anh, mấy chị ơi! Thần Tài đến rồi!…”
Con Bé chẳng thèm mở cửa. Bà Năm Tửng đứng thêm… vài chục phút rồi bỏ đi. Vừa đi bà vừa rao ầm ĩ, giọng điệu luôn hào hứng. Phải đợi đến khi tiếng rao của bà Năm Tửng im bặt, con Bé mới dám mở cửa, rón rén nhìn ra. Bà Bảy bán tàu hũ nhìn điệu bộ con Bé mà phì cười. Bà lạ gì cái con Năm Tửng, nhỏ hơn bà chỉ hai tuổi, nhưng lúc nào cũng gọi bà xưng cháu, làm như còn trẻ lắm vậy. Thuở xưa, bà còn thương nó tưng tửng nên hay mua vé số ủng hộ. Nhưng rồi, một lần, nó gặp bà ngoài chợ, thấy bà mua vé số giúp thằng bé nghèo nhếch nhác, nó gào ầm lên. Nó chửi bà giữa chợ, giống như bà phản bội chồng theo trai, phản đất nước theo giặc vậy. Bà cạch mặt con Năm Tửng.
Con Bé lò mọ bước ra quán tàu hũ của bà Bảy, than thở:
“Con mệt quá Bảy ơi! Con sợ cái bà Năm Tửng này quá!”
Bà Bảy múc cho nó chén tàu hũ:
“Tại mày, bữa cho nó vào nhà uống nước làm chi? Nhà mày lại đối diện nhà thằng Tư vá xe. Nó ngồi lì cả ngày còn được”.
Con Bé thở dài thườn thượt, mắt nó liếc qua nhà ông Tư vá xe, lại thấy một bịch cơm treo tòn ten trước cửa. Tác phẩm của bà Năm Tửng chứ không ai. Cái xóm này, ai chẳng biết bà Năm Tửng trồng cây si ông Tư vá xe. Ông Tư cũng chẳng có hay ho, cả ngày say xỉn, nồng nặc mùi rượu. Con Bé cá cược với tụi thằng Trời, con Hồng, rằng: ông Tư sáng dậy súc miệng bằng rượu chứ không hề đánh răng.
Chuyện bà năm Tửng mê ông Tư không phải chuyện mới mẻ gì. Năm nay bà năm mươi tám tuổi, thì tính ra bà si ông Tư ngót nghét cũng hai mươi lăm năm. Nếu nói ông Tư là mối tình lớn hay mối tình đầu của bà cũng chẳng sai. Lúc bà mê ông Tư, ông còn chưa say rượu như giờ. Ông cũng chí thú làm ăn như bao người trai trẻ lành nghề trong xóm. Bà Năm Tửng mê ông Tư nên sáng, đến nhà phụ mẹ ông rửa chén, nấu cơm; chiều, lại chạy ra tiệm vá xe ngồi lì đó. Tay nghề cơm nước, gái quê như bà khỏi cần bàn cãi, còn tay nghề vá xe thì nhiều người ngưỡng mộ bà. Những lúc đông khách, bà như thợ sành nghề, vá xe, thay vỏ, đỡ đần cho ông Tư khối việc. Lúc đầu, ông Tư thấy bà hơi phiền. Rồi bà đỡ đần được nhiều việc quá, ông lợi dụng, khuyến khích bà tới lui. Cuối tháng, quẳng cho bà ít tiền, ông mặc định xong nghĩa vụ, giống như ông thuê và trả công sòng phẳng người giúp việc. Bà Năm tháng nào cũng lấy tiền từ ông Tư, nhưng không xem đó là tiền lương, mà đinh ninh là tiền ông Tư gửi bà tích góp, lo tương lai hai đứa sau này. Bà mua nguyên một con heo đất to, nhét hết vào đó. Ba mẹ bà Năm nhiều lần qua nói với mẹ ông Tư về chuyện đứa con gái muốn lấy chồng. Mẹ ông Tư thấy cũng tội, nhưng nói ông Tư hoài, ông Tư cứ lắc đầu nguây nguẩy. Ông bảo: “Không thương mà lấy là làm tội người ta!”.
Khách đến tiệm ông Tư lúc đó càng ngày càng đông. Trong số khách, có một cô thợ may dáng người xinh xắn, chạy chiếc xe cub cũ mèm. Xe cũ nên sửa suốt. Lúc ống bô xe hư, khi ruột xe xì lỗ vá, bữa chết máy bất kỳ tử. Ông Tư lúc nào cũng tiếp cô với nụ cười tươi rói. Ngộ một điều, khách phụ nữ cũng đông, nhưng chỉ mình cô là được ưu ái. Lần nào sửa xe xong, ông Tư cũng ân cần dắt ra tận đường lớn, tự nguyện đạp máy cho nổ, rồi thử xe một hồi lâu mới cho cô ngồi lên. Bà Năm hết giả vờ ho lớn tiếng đến bĩu môi cay cú ra mặt: Nào là “chạy xe mà không dắt nổi cái xe thì làm gì ăn”; Nào là “Đạp nổ máy không được thì đi bộ cho rồi”… Ông Tư và cô thợ may vẫn mặc kệ bà, vẫn “Để anh dẫn xe giúp cho”, vẫn “Anh đạp giúp em cho xe nổ với!”. Có lần ông Tư đi vắng, nhờ bà Năm trông giúp tiệm. Cô thợ may đến vá xe. Bà Năm vá vội vá càn, rồi thu tiền đắt hơn mọi khi. Cô thợ may thắc mắc, bà chửi cho một trận, còn doạ sẽ đâm lủng bánh xe mới chịu trả tiền. Cô thợ may sợ quá, chưa kịp dắt xe ra đường, đã cuống cuồng đạp máy. Mấy tháng sau cũng không thấy cô xuất hiện. Ông Tư cứ ngóng ra đường hoài, nhắc tên hoài. Bà Năm tưởng mình đã thắng, đã đuổi được mối hiểm hoạ. Đùng một cái, ông Tư kéo cô thợ may về nhà ra mắt, tổ chức đám cưới, đãi tiệc những mười bàn. Bà Năm khóc ngày khóc đêm, khiến người ta còn tưởng cái xóm có ma. Đám cưới ông Tư xong cũng là lúc bà Năm bắt đầu điên điên dại dại. Bà cứ đầu tóc rối bù, đi khắp sớm, gặp ai cũng chúc mừng đám cưới. Điên đến nỗi, bà xách theo xô nước, chạy đến đâu, ngậm phun đến đó, miệng oang oang: trừ tà, trừ ma, trừ hồ ly. Gánh đậu hũ của bà Bảy có lần vạ lây, bị phun nước khắp gánh. Bà Bảy phải nghỉ bán một hôm, lỗ vốn mà không biết đền ai.
Gia đình bà Năm Tửng đưa bà đi nhà thương điên. Ở một năm thì bà được đón về lại. Bà không còn thần trí điên loạn như trước, nhưng cái cách ăn nói, hành xử đã chẳng được như người bình thường. Cái tên Năm Tửng cũng bắt đầu từ đó. Hàng xóm trách ông Tư, ông Tư cứ khăng khăng chẳng hề có lỗi. Ông khẳng định chưa từng nói yêu, chưa từng đụng chạm đến cái móng tay của bà. Ông bảo bà Năm điên là tại cái tạng người bà như thế. Cho đến một năm sau, vợ ông bệnh nặng, lăn đùng ra chết, ông mới gào lên: Quả báo. Ông nhận là mình hại bà Năm khùng nên trời không cho ông hạnh phúc. Cái tật say xỉn của ông từ dạo đó sinh ra, kéo dài đến tận bây giờ.
Ông Tư đã ngủ dậy, gỡ cái túi cơm treo trước nhà, mặt đỏ gay, giọng lè nhè, bước ra quán bà Bảy:
“Cái con Năm Tửng lại treo bịch rác trước nhà tui nữa hả?”
“Cái thằng, ăn nói bậy bạ!” – Bà Bảy vừa nói vừa giằng lấy bịch cơm, mở ra – “Cơm đó, ngồi xuống ăn đi, rồi đi làm”.
Ông Tư cười khì khì: “Tổ cha nó, biết tui thích ăn đùi gà nên mua suốt. Nó dụ tui mà! Nhưng tui đâu dễ dụ.”
Nói rồi ông ngồi xuống, vừa ăn hộp cơm của bà Năm Tửng vừa hát. Cái giọng lè nhè cùng hơi rượu hôi hám làm con Bé thấy ghê. Nó ăn vội chén tàu hũ, miệng lầm bầm: “Chỉ có bà Năm Tửng mới yêu được ổng!”
Suốt mấy tuần sau, bà Năm Tửng không đi bán vé số buổi trưa nữa. Thằng Trời gọi con Hồng với con Bé lại, rủ cá cược. Thằng Trời cá là bà Năm Tửng đổi giờ bán vé số: buổi khuya thay vì buổi trưa. Con Hồng chí choé chửi thằng Trời khùng, buổi khuya có bán cho ma mua. Nhưng thằng Trời cứ khăng khăng như vậy. Con Bé với con Hồng đặt cược hai quả bắp nướng, hẹn đêm nay đi rình. Đúng như lời thằng Trời nói, mười giờ đêm, cái dáng quen thuộc của bà Năm Tửng xuất hiện. Trên tay bà vẫn là cái nón lá với xấp vé số. Con Bé với con Hồng núp gần đó, suýt đứng tim. Hai đứa sợ bà Năm Tửng điên, có năng lực siêu nhiên, bán được vé số cho ma. Thằng Trời ra vẻ hiểu biết, xua xua tay báo hiệu không sao đâu. Miệng nó cười tủm tỉm, giọng lộ rõ sự đắc thắng: “Không phải đi bán vé số đâu!”. Lời thằng Trời được kiểm chứng ngay lập tức. Bà Năm Tửng không hề rao ầm ĩ như mọi khi. Bà cẩn thận nhìn quanh nhiều lần, rồi khi chắc chắn không có ai phát hiện ra mình, bà len lén đẩy cửa nhà ông Tư bước vào. Ngộ một điều là cửa nhà ông Tư không hề khoá. Con Hồng trợn ngược mắt nhìn sang con Bé. Nó thấy mắt con Bé tròn xoe, y chang mắt con mèo ở nhà.
Bà Bảy mấy bữa nay đi chợ gặp bà Năm Tửng. Bà Năm Tửng xoè ngón tay áp út khoe cái nắp khoen lon bia đang đeo trên tay. “Nhẫn đính ước của cháu đó bà!”. Bà Bảy chạnh thương con Năm Tửng đã tửng gần cả một đời, bà mua giúp hai tờ vé số. Bà còn hứa nếu chiều xổ trúng, sẽ cho con Năm Tửng luôn 1 tờ mà đi… chữa bệnh. Con Năm Tửng cười khì khì: “Bà Bảy cứ chọc cháu. Cháu hết điên rồi!”.
Ông Tư vẫn ra quán bà Bảy ngồi, lè nhè hát mỗi buổi trưa. Từ dạo bà Năm Tửng không đi bán vé số trưa, ông toàn ăn cơm ké bà Bảy. Bà Bảy nhiều lần hỏi ông về con Năm Tửng, ông lúc nào cũng khẳng khái:
“Cái con Năm Tửng đó dụ tui hoài, nhưng đừng hòng. Tui đâu dễ dụ”
Bà Năm Tửng đi bán vé số buổi khuya được khoảng hai tháng thì ông Tư gặp chuyện. Một buổi chiều, ông Tư nhậu xỉn, loạng choạng đi về, vấp cục đá, té lăn ra đất, chết. Bà Năm Tửng nghe tin, vứt hết xấp vé số giữa chợ, chạy ào đến nhà ông Tư. Bà khóc, khóc nhiều hơn cả cái lần ông Tư lấy vợ. Đám tang ông Tư, một tay bà Năm Tửng lo. Từ cổ quan tài đến phần đất chôn, từ cái hình thờ đến quỳ lạy trả lễ người viếng. Nếu không biết, cứ tưởng bà là vợ của ông Tư lâu lắm rồi vậy. Ngày đưa tang, con Bé với con Hồng ngồi trên xe tang cạnh bà Năm Tửng. Bà Bảy phân công như vậy, vì sợ bà Năm quá đau buồn, làm chuyện bậy. Cả hai đứa nó không biết nên không khóc hay cười, khi thấy bà Năm Tửng đầu đã bạc gần hết, mà miệng cứ gào lên tha thiết: “Anh ơi, sao anh chết bỏ em!”.
Đám tang ông Tư xong, bà Năm Tửng bỏ nghề bán vé số. Bà ra góc ngã ba, chỗ ông Tư thường vá xe, mở tiệm. Người ta khuyên bà, phụ nữ vá xe làm gì cho nặng nhọc. Bà cứ cười bảo, lấy chồng thì phải theo nghiệp chồng. Mỗi lần nhắc đến cái chữ chồng, bà lại xoè bàn tay khoe cái nắp khoen bia. Con Bé, con Hồng, thằng Trời mỗi khi rảnh là chạy ra chơi với bà. Tụi nó chẳng gọi bà là bà Năm Tửng nữa, mà chuyển sang gọi là bà Tư vá xe. Ít ra, cái cách gọi ấy cũng làm bà Năm Tửng hạnh phúc.
Truyện ngắn của Dương Bảo Thủy