Nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư BĐS đều cho rằng thị trường trong năm 2015 thật sự tốt nhưng không hẳn là không còn khó khăn.
Tóm tắt
-Nửa đầu năm 2015 thị trường đã có nhiều tác động mạnh từ những chính sách mới, rong đó có vấn đề xử lý tốt các nút thắt của thị trường như hàng tồn kho, nợ xấu, đặc biệt là kéo nhiều ngân hàng cùng tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiêp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2014 thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục đà phục hồi, thể hiện trên số lượng giao dịch tăng mạnh ở cả các phân khúc. Trong đó, căn hộ quy mô vừa và nhỏ có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng là phân khúc chủ đạo.
Đã có nhiều chính sách mới tác động tới thị trường như vấn đề xử lý tốt các nút thắt của thị trường như hàng tồn kho, nợ xấu, đặc biệt là kéo nhiều ngân hàng cùng tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nhiều doanh lớn trên thị trường địa ốc đã lạc quan hơn trong 2015.
Một số doanh nghiệp cho rằng, một thị trường bất động sản phát triển bền vững không có chỗ cho sự “ăn xổi ở thì”, chộp giật mà cần nhất là sự am hiểu thị trường, nhận biết khách hàng đang cần nhất sản phẩm gì để đầu tư vào phân khúc sản phẩm đó.
Phân khúc nhà giá rẻ, đất nền nhà phố sẽ tiếp tục là phân khúc hút hàng. Thêm nữa, với tâm lý cảnh giác nơi khách hàng sau nhiều vụ tranh chấp với chủ đầu tư, thì các sản phẩm nhà ở hoàn thiện vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.
Sự phục hồi của BĐS trong năm 2015 được dự báo sẽ trên đà hồi phục mạnh hơn, nhất là từ 1-7-2015 khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, người đứng đầu HoREA cho rằng thị trường vẫn còn những gam màu tối. Nếu không sớm giải quyết thì khó có thể tạo ra đà phát triển mạnh đúng như dự báo. Cụ thể, tiền sử dụng đất vẫn tiếp tục là một “ẩn số”, tiền ký quỹ theo quy định tại luật Đất đai 2013 và luật Đấu thầu (sửa đổi) từ 1 – 3% vốn đầu tư, tiền bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai với mức phí bảo lãnh khoảng 1-2%/năm/giá trị bảo lãnh…
“Tất cả các chi phí này sẽ được doanh nghiệp (DN) phân bổ vào giá thành sản phẩm và cuối cùng khách hàng phải gánh chịu khi mua nhà. Chúng tôi đã kiến nghị, đối với dự án mà người tiêu dùng không yêu cầu chủ đầu tư phải bảo lãnh thì DN không phải tiến hành thủ tục bảo lãnh. DN bán căn hộ nào thì thực hiện bảo lãnh căn hộ đó. Đối với các dự án DN tự đi giải phóng mặt bằng thì được miễn ký quỹ; các dự án còn lại mức kỹ quỹ từ 1 – 3% vốn đầu tư hạ tầng, chi phí tạo quỹ đất, không phải tổng vốn đầu tư dự án”, ông Châu cho biết.
Gói 30.000 tỷ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường BĐS, tuy nhiên, theo ý kiến của ông Lê Hoàng Châu thì đến nay tốc độ giải ngân là quá chậm chỉ mới được gần 30%. Theo ông Châu cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân mới tạo cú hích cho thị trường.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, nhận xét rằng nếu như đến giữa tháng 6-2016, tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không đạt 100% là coi như thất bại. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần xem lại “những quy định rất riêng” của ngành mình nhằm sớm giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ này.
Theo Trí thức trẻ